Chớp mắt mùa hoa lộc vừng

0:00 / 0:00
0:00
Hà thành lộc vừng đang nở rộ, buông những chùm hoa tựa chuỗi đèn lồng đỏ rực trong vòm lá. Nhưng hoa lộc vừng xuất hiện như chỉ trong chớp mắt và mùa hoa cũng qua rất nhanh, để lại sự tiếc nuối khó nguôi ngoai…

Bây giờ đang mùa hoa lộc vừng nở rộ. Sáng ra, nhìn xuống sân, trên lối đi, quanh gốc cây… đỏ rực cứ khiến tôi nghĩ đến thảm đỏ trong liên hoan phim Cannes ở miền Nam nước Pháp, ngước nhìn lên liền bắt gặp những chùm hoa lộc vừng buông dài như dây pháo tép hay dây đèn hoa trang trí đỏ tươi trong trẻo đến lạ kỳ thật đã mắt.

Hà Nội mùa này đâu cũng có thể bắt gặp màu hoa lộc vừng: Trên hè phố, trong công viên, quanh bờ hồ, trong các khu đô thị và lộc vừng tràn đến tận trước hiên nhà, trong khoảng sân nhỏ hẹp, thậm chí cả trên ban công các ngôi nhà phố hay căn hộ chung cư… Có nơi, người ta còn lấy luôn cây lộc vừng mọc trong khuôn viên để đặt tên cho nhà hàng bia hơi, hàng ăn hay đơn giản là quán cà phê thân thuộc…

Lộc vừng được coi là cây trong tứ linh sanh - sung - tùng - lộc, có ý nghĩa phong thủy nên được trồng nhiều ở tư gia.

Nhưng thích nhất vẫn là hàng cây lộc vừng hay những gốc lộc vừng cổ thụ trồng bên ao hồ. Hồi nhỏ, vào những ngày hè chang chang nắng, lũ trẻ con chúng tôi thích nhất là rủ nhau vào ao nhà bà Ngắm để dầm mình xuống làn nước trong trẻo và mát lạnh như thạch. Nhưng điều thích hơn là cạnh cầu ao có cây lộc vừng đỏ rực những hoa, sáng sớm ra là mặt ao rải lớp hoa đỏ ối lấp loáng trong làn nước trong xanh in bóng những chùm hoa đỏ dài đến chạm mặt nước cứ ngỡ như chốn Thiên Thai…

Vì vậy bây giờ ở Hà Nội trồng rất nhiều lộc vừng, thậm chí có những con phố trồng toàn lộc vừng, nhưng với tôi đẹp nhất vẫn là cây lộc vừng chín nhành xòa bóng xuống Hồ Gươm và cạnh đó lui vào bờ là cây lộc vừng cổ thụ có lẽ là đẹp nhất Thủ đô, không chỉ bởi nó rất sai hoa mà còn bởi vào mùa thay lá thì cả tán cây vàng rực lên một màu rất là thu… Thứ nữa là hàng lộc vừng trồng ven hồ Tây phía bờ Nam giữa mênh mang sóng nước.

Cây lộc vừng chín nhánh và lộc vừng cổ thụ ở Bờ Hồ, Hà Nội không những cho hoa đẹp mà đến mùa thay lá còn rực lên sắc vàng rất thu và rủ bóng xuống mặt hồ buổi hoàng hôn thật huyền ảo.

Hàng lộc vừng ven Hồ Tây trong cảnh mênh mang sóng nước cũng rất nên thơ.

Theo các tài liệu, lộc vừng có tên khoa học là Barringtonia acutangula, thuộc chi Lộc vừng, là loài cây bản địa của các vùng đất ẩm ven biển Nam Á và Bắc Úc, từ Afghanistan đến Philippin và Queensland. Tại Đông Nam Á, loài này phân bố ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái lan. Ở Việt Nam, cây mọc khắp nơi từ Bắc vào Nam, còn theo một số tài liệu thì lộc vừng ở Hà Nội là do người Pháp mang vào trồng.

Từ trước đến nay, trong ý niệm của tôi thì lộc vừng gắn liền với những tua hoa đỏ. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu mới biết, lộc vừng phân loại theo hình dạng lá thì có loài lá dài và loài lá tròn, còn phân loại theo màu sắc hoa thì có loài hoa đỏ, hoa trắng, hoa vàng, nhưng phổ biến nhất và được nhiều người biết đến nhất vẫn là lộc vừng hoa đỏ.

Thực ra, lộc vừng là gọi tên theo lối miền Bắc, còn đến miền Trung thì loài cây này có tên gọi cây mưng và vào trong Nam thì thường gọi là cây chiếc hay rau vừng… Nhưng có lẽ, lộc vừng vẫn là tên gọi phổ biến và quen thuộc hơn cả. Cũng bởi thế nên nhiều lúc tôi cứ tha thẩn nghĩ về cái tên gọi lộc vừng của loài cây này.

Tôi chưa thấy có tài liệu nào giải thích về cái tên lộc vừng, và không phải tên gọi nào cũng có thể giải thích về nguồn gốc, nhưng riêng về tên cây lộc vừng thì tôi lại nghĩ, có lẽ xuất phát từ chỗ quả của cây này khá giống với quả vừng trồng để lấy hạt mà trong Nam gọi là hạt mè. Còn lý do ghép với chữ lộc có lẽ bởi vào mùa xuân, loài cây này nẩy lộc non rất đẹp.

Phải chăng trong tên cây "lộc vừng" có hàm chứa loài cây này thường cho lộc rất đẹp vào mỗi mùa xuân.

Có lẽ bởi cây có dáng đẹp, đặc biệt hoa rất đẹp và nhất là có màu đỏ tươi và xuất phát từ cái tên lộc vừng mà loài cây này còn được coi là cây có ý nghĩa và tác dụng phong thủy và được tạo dáng, cắt tỉa làm cây cảnh, cây bon sai khá phổ biến với các tỉnh phía Bắc.

Lộc vừng còn được xếp vào hàng tứ quý sanh – sung – tùng – lộc được cho là đem lại sung túc, tài lộc, may mắn, bình an và trường thọ. Người ta còn giải thích cụ thể hơn, như màu hoa đỏ rực rỡ tượng trưng cho hỷ sự, hạnh phúc, thành đạt; tuổi cây có thể lên tới hàng trăm năm tượng trưng cho trường thọ; quả giống như quả vừng, mà quả vừng thường có rất nhiều hạt nên lộc vừng còn tượng trưng cho phúc lộc, đông con nhiều cháu…

Nói lan man như thế để thấy, ngoài việc có dáng đẹp, tán lá dày rất thích hợp làm cây đô thị, lấy bóng mát, lộc vừng còn cho hoa lá đẹp và nhất là có ý nghĩa, tác dụng lớn về phong thủy nên ngày càng được trồng phổ biến ở đô thị, không gian công cộng và tư gia…

Cây lộc vừng ngoài tự nhiên ra hoa vào 2 đợt. Đợt một vào giữa năm tầm tháng 5 - 7 âm lịch; đợt hai vào cuối năm tầm tháng 10 - 11 âm lịch. Hoa kết thành chùm dài buông rủ rất đẹp, ngay khi chưa nở thì từng chùm nụ buông xuống như bức rèm màu xanh ngọc trông cũng rất bắt mắt.

Những tua hoa buông dài như bức rèm cũng tạo vẻ đẹp riêng.

Hoa lộc vừng thường nở vào ban đêm, sáng ra là đã trút đầy gốc cây trông như tấm thảm đỏ. Tuy nhiên, cũng có cây còn giữ được hoa tới gần trưa mới trút hết.

Hoa lộc vừng xuất hiện chỉ trong chớp mắt, mùa hoa cũng qua rất nhanh, cây bung nở hoa thường chỉ trong vòng một tuần, cùng lắm kéo dài 10 - 15 ngày là kết thúc, trơ lại trên cành những cọng hoa lẫn vào tán lá xanh và lác đác những quả non bé xíu xanh mỡ màng…, để lại một niềm tiếc nuối cho những ai trót mê đắm loài hoa này./.

Đọc thêm