Chủ đầu tư nhận sai khi phá rừng phòng hộ để làm đường thi công vào thủy điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại diện phía Công ty Cổ phần Thủy điện Nước Long - Đức Bảo (chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Long) thừa nhận, “do áp lực tiến độ và mùa mưa bão đang đến gần nên trong quá trình thi công làm đường công vụ thi công việc ngăn suối làm hầm thu nước số 2 đã xâm lấn rừng phòng hộ ở xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi”.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh kiểm tra thực địa tại khu vực rừng phòng hộ xã Ba Ngạc.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh kiểm tra thực địa tại khu vực rừng phòng hộ xã Ba Ngạc.

Chiều 31/5, ông Phạm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi dẫn đầu đoàn kiểm tra của huyện, với sự tham gia của một số cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã đi kiểm tra hiện trường khu vực thi công dự án thuỷ điện Nước Long vi phạm phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ trái phép tại xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Long, “Việc đơn vị thi công làm tuyến đường công vụ ảnh hưởng đến rừng phòng hộ là sai nhưng đơn vị cũng đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng trong việc chuyển đổi đất rừng và sự cho phép của cơ quan chức năng.

Con đường này chỉ mở rộng đường mòn hiện hữu của người dân, chúng tôi men theo dòng suối, giảm thiểu tối đa việc tác động đến rừng”. Chủ đầu tư thừa nhận vi phạm của mình và cam kết sẽ dừng thi công để hoàn thành các thủ tục theo quy định.

Trong quá trình thi công làm đường công vụ việc ngăn suối làm hầm thu nước số 2 đã xâm lấn rừng phòng hộ ở xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
 Trong quá trình thi công làm đường công vụ việc ngăn suối làm hầm thu nước số 2 đã xâm lấn rừng phòng hộ ở xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Về phía Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ, ông Ngô Vĩnh Phong - Hạt trưởng cho rằng, đơn vị thi công đã phá, xâm lấn rừng phòng hộ với tổng diện tích rừng gần 5.000m2. Trong đó, diện tích rừng bị phá hơn 1.200m2 tại lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 375 và lô 11, khoảnh 8, tiểu khu 371; Đất rừng phòng hộ bị chiếm hơn 3.600m2 tại lô 4, 4a, 14, 9, khoảnh 5, tiểu khu 375.

Theo ông Phong, chủ đầu tư nói sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý nhưng đến nay vẫn chưa cung cấp đầy đủ cho chủ rừng. Theo luật, việc tác động đến đất có rừng và cả đất không có rừng nhưng nằm trong phạm vi rừng phòng hộ đều là hành vi phá rừng. "Việc san ủi khi chưa hoàn tất mọi thủ tục là sai quy định. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ đo đạc, định vị lại một lần nữa để xác định mức độ vi phạm" - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ nói.

Toàn cảnh dự án thủy điện Nước Long.
 Toàn cảnh dự án thủy điện Nước Long.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho rằng việc chủ đầu tư dự án khi xâm lấn rừng phòng hộ mà chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý là sai phạm. Các đơn vị liên quan cần tiến hành đo đạc, sai phạm đến đâu và thuộc thẩm quyền của cấp nào sẽ ra quyết định xử lý. Huyện cũng sẽ báo cáo sự việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sau khi xác định cụ thể mức độ xâm lấn rừng phòng hộ.

Bên cạnh đó, ông Vinh yêu cầu, chủ đầu tư phải cung cấp toàn bộ thông tin dự án cho UBND các xã liên quan là Ba Tiêu và Ba Ngạc cũng như chính quyền huyện Ba Tơ để biết để trả lời khi người dân thắc mắc.

Trước đó ngày 30/5, Báo pháp luật Việt Nam đã phản ánh dù chưa được cấp phép làm đường công vụ vào thi công thuỷ điện Nước Long ở xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi nhưng Công ty cổ phần xây lắp điện Đức Bảo - Kon Tum (đơn vị thi công dự án dự án thủy điện Nước Long) đã cho xe cơ giới vào làm đường và phá, lấn gần 5.000m2 rừng phòng hộ.

Đọc thêm