Đã gia cố bằng bê tông nhựa, xi măng
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sáng nay - 4/6, Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) có đề cập tới tình trạng tuyến QL1 nói trên mặc dù đã trải qua nhiều lần sửa chữa, nhưng hiện chất lượng vẫn rất xấu.
Thậm chí, sau đó, Đại biểu Hạnh còn dẫn chứng: Đường cùng tuyến QL1, tại sao ở Quảng Ngãi và Phú Yên không hỏng mà ở Bình Định lại hỏng?
“QL1 qua Bình Định là đoạn đường quan trọng. Thời gian qua, đã được nâng cấp và hoàn thành vào năm 2015. Sau khi hoàn thành thì đến năm 2016, thời tiết diễn biến khắc nghiệt, mùa hè với nắng nóng kéo dài, bão lũ lại nhiều…
Sau bão có những đoạn nước tràn qua mặt đường, kết hợp với phương tiện lưu thông lớn, tải trọng nặng..., trong khi công tác tuần tra kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa được tốt. Vì thế, đã có một số đoạn hư hỏng...”, Bộ trưởng Thể trả lời.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó - ngày 22/1/2018, Bộ GTVT cũng đã có văn bản số 755/BGTVT-CQLXD giải đáp kiến nghị của cử tri tỉnh này, trong đó cho biết, để khắc phục tình trạng trên và đảm bảo tính bền vững của công trình, Bộ GTVT đã báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc khắc phục hậu quả bão lũ đối với Dự án QL1 đoạn qua các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa.
“Tính đến 31/12/2017, cơ bản những vị trí hư hỏng đã được thực hiện đảm bảo giao thông bằng thảm bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng”, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đề cập trong văn bản trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định hồi đầu năm.
Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá tình trạng hư hỏng và khắc phục tại hiện trường QL1 đoạn qua Bình Định |
Sẽ dùng vốn dư khắc phục dứt điểm
Trao đổi nhanh với PLVN về những nội dung đề cập trong phiên chất vấn sáng nay - 4/6, đại diện chủ đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo QL1 đoạn qua tỉnh Bình Đinh - Ban quản lý Dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh, cho biết, Ban trực tiếp điều hành dự án nói trên từ đầu năm 2015 - sau khi nhận bàn giao dự án từ một Ban khác thuộc Bộ, và đến cuối năm 2015, thì hoàn thành toàn bộ dự án này.
“Tuy nhiên, do trong quá trình thi công, nguồn vật liệu tại chỗ mà cụ thể là đá ở đây, độ dính bám không tốt như những nơi khác cho dù chủ đầu đã tăng cường thêm phụ gia. Ngoài ra, thực tế mưa lũ nhiều cũng là yếu tố gây hư hỏng nặng. Cụ thể, có những thời điểm nước ngập mặt đường, trong khi xe vẫn lưu thông qua lại những ví trí này nên nó càng “xe” mặt đường ra”, lãnh đạo PMU đường Hồ Chí Minh nói.
Cũng theo lãnh đạo Ban này, hiện Bộ GTVT đã có kế hoạch sửa chữa dứt điểm tình trạng nói trên, và dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2018. Nguồn kinh phí sẽ là nguồn vốn còn lại, chưa sử dụng của chính dự án này.
“Chúng tôi đang cho thiết kế, tính toán thật kỹ càng sau đó sẽ tăng cường lớp polymer thảm mặt đường để nó phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình địa vật ở đây”, đại diện PMU đường Hồ Chí Minh thông tin thêm.
Được biết, ngoài việc khắc phục hư hỏng tại đoạn đường kéo dài khoảng 50 km sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ, tại các đoạn được đầu tư theo hình thức BOT ở khu vực Bắc và Nam Bình Định, các chủ đầu tư của dự án cũng phải kiểm tra, xử lý nếu có hiện tượng xuống cấp.