Chủ động cứu gia đình thoát “thảm họa” thực phẩm bẩn

(PLO) - Trước khi vào mâm cơm của chúng ta, thực phẩm có thể bị nhiễm “bẩn” từ nhiều khâu nuôi trồng, vận chuyển, phân phối, bảo quản… Nhiều người tiêu dùng đã tự tìm cách thoát khỏi vòng vây thực phẩm bẩn.
Vườn rau “tại gia” là giải pháp nhiều gia đình. Ảnh: Dân Việt
Vườn rau “tại gia” là giải pháp nhiều gia đình. Ảnh: Dân Việt

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có 600 triệu người mắc bệnh và 420.000 người tử vong do ăn thực phẩm bẩn (thực phẩm không đảm bảo an toàn). Thực phẩm bẩn có thể gây ra hơn 200 bệnh khác nhau. Đáng sợ hơn, đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư – mối đe dọa của toàn nhân loại.

Con đường từ dạ dày đến nghĩa trang chưa bao giờ ngắn thế! Không đợi chờ hay đổ lỗi, người tiêu dùng đã chủ động bảo vệ bản thân và gia đình bằng nhiều cách.

Mô hình thực phẩm sạch “tại gia”

Trước thực trạng thực phẩm mất an toàn đang lan rộng, mất niềm tin vào thực phẩm trên thị trường, nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng “tự cung tự cấp” thực phẩm cho gia đình.

Chị Diệu Linh (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, từ 3 năm nay khoảng sân thượng nhà chị đã trở thành vườn rau sạch nhỏ xinh của gia đình. Tìm hiểu cách trồng rau, chị trồng thành công những loại phổ biến như: muống, mồng tơi, cải xanh... Dù vậy, hàng ngày chị cũng phải ra chợ để mua thêm một vài loại rau nhà không trồng được. Việc tự cung tự cấp rau tại nhà gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian nhưng vì muốn đảm bảo sức khỏe cho gia đình nên chị Linh và nhiều bà nội trợ khác chấp nhận cố gắng.

Xu hướng tự trồng rau, nuôi gà, nuôi heo để có thực phẩm sạch cũng chỉ là giải pháp tình thế, khó ai có thể tự cung tự cấp cho gia đình mình tất cả các loại thực phẩm theo nhu cầu được.

Đặt hàng thực phẩm tin dùng từ người thân ở quê

Không phải ai cũng có điều kiện tự trồng rau, nhiều người tiêu dùng ở các thành phố lớn đã móc nối, tìm người thân quen ở quê để đặt mua thực phẩm. Những thực phẩm này được đảm bảo bằng uy tín cá nhân, nuôi trồng từ vườn nhà, bán trực tiếp không thông qua kênh phân phối, thương mại.

Chị Nguyễn Trang (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mỗi tuần chị đặt hàng một người họ hàng xa ở quê gửi lên các loại cá, thịt heo, gà, rau quả vườn nhà.

Thậm chí, để có thịt sạch, nhiều hộ gia đình ở thành phố còn góp tiền để “đặt hàng” những người nuôi nhỏ lẻ, giám sát tận chuồng cách nuôi mới an tâm.

“Mình nghĩ là sạch hơn vậy thôi chứ nếu nguồn đất, nguồn nước nhiễm bẩn thì cũng không có cách nào biết được. Chỉ tin một điều là rau do người quen trồng không dùng hóa chất bảo quản độc hại. Đỡ được chừng nào hay chừng nấy vậy”, chị Trang tâm sự.

Tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn ATTP, chọn lựa nhà phân phối uy tín

Mô hình “tự cấp tự túc” hay đặt hàng thực phẩm sạch ở quê đang nở rộ, nhưng hai hình thức này cũng chỉ giải quyết một phần nhỏ nhu cầu ăn uống hàng ngày của gia đình. Người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ thực phẩm ngoài thị trường. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên mua sản phẩm có nguồn gốc, nơi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát (quầy, sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị,….).

Tiến sĩ thực phẩm Lê Đoàn Thanh Lâm (tốt nghiệp Viện nghiên cứu quốc gia Nông nghiệp tại Pháp) lưu ý, ngoài chủ động trang bị kinh nghiệm chọn thực phẩm an toàn thì người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu kỹ các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch. Từ đó, tin tưởng ủng hộ các nhà phân phối, sản xuất thực phẩm uy tín. 

Theo TS Lâm, hiện nay có các công ty hỗ trợ nông dân sản xuất sạch theo quy trình nhưng sản lượng bán ra vẫn thấp, giá thành cao nên họ chưa thể “làm chủ” thị trường. Nếu người tiêu dùng ủng hộ thì họ mới có thể mở rộng quy mô cung ứng đồng thời giảm giá thành bán ra.

“Ưu tiên chọn mua thực phẩm có bao gói, nhãn mác với thông tin rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, chọn mua tại các địa điểm kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thú y, có uy tín về chất lượng, có kiểm tra kiểm định. Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn: tỏi, sả xay, rau củ đã thái sẵn, ngâm nước, thịt, cá xay nhuyễn,… Chọn lọc để tiếp cận các nguồn thông tin chính thống về tình hình ATTP, về các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, loại thực phẩm bẩn bị “bêu tên” để có thông tin và biện pháp phòng tránh...”, chuyên gia này lưu ý.

Hoàn toàn chủ động kiểm soát “đầu ra” thực phẩm

“Rau có sâu tốt hơn rau xanh mơn mởn”, “khi sờ nắm rau có cảm giác nhẹ bỗng sẽ chứa nhiều chất kích thích tăng trưởng”, “ngửi thấy mùi hắc có thể do tồn đọng thuốc trừ sâu”… là những “tiêu chuẩn”, mẹo vặt của nhiều bà nội trợ mách nhau để tìm thực phẩm an toàn. 

Tuy nhiên, một tiêu chí quan trọng của thực phẩm an toàn phải là không tồn dư chất Nitrat quá mức cho phép thì người dùng chưa biết lấy gì để đo vì mắt thường không thể nào phân biệt được.

Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, Nitrat tồn dư trong thực phẩm rau củ là do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, tăng trưởng, chất chống thối và đáng lo ngại, đó cũng chính là nghi phạm “tiền ung thư” khi nó đi vào cơ thể người và kết hợp với gốc amin tự do.

Không chọn thực phẩm bằng cảm quan, không bị động “nửa tin, nửa lo ngờ” về thông tin một chiều từ phía nhà sản xuất, phân phối, nhiều người tiêu dùng thông thái đã trang bị thiết bị kiểm tra chất lượng thực phẩm cho gia đình.

Máy đo Nitrat NUC 019-1 chủ động “kiểm tra đầu ra” thực phẩm, phát hiện thực phẩm chứa chất tạo nạc, chất bảo quản, phân bón hóa học quá mức cho phép là giải pháp của nhiều gia đình hiện đại
Máy đo Nitrat NUC 019-1 chủ động “kiểm tra đầu ra” thực phẩm, phát hiện thực phẩm chứa chất tạo nạc, chất bảo quản, phân bón hóa học quá mức cho phép là giải pháp của nhiều gia đình hiện đại

Anh Thế Hùng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, 2 năm nay gia đình anh gần như đã quẳng được gánh lo lớn về thực phẩm bẩn nhờ thiết bị kiểm tra hàm lượng Nitrat tồn dư trong thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản… do Liên Bang Nga sản xuất. Anh cho hay, thiết bị này được Bộ Y Tế, Cục trưởng Cục ATTP kí phép cho lưu hành ở Việt Nam nên gia đình anh rất yên tâm tin dùng.

“Vợ tôi đi chợ chỉ cần cầm theo chiếc máy đo nhỏ gọn như chiếc điều khiển tivi để kiểm tra thịt, rau củ quả. Đó giải pháp tối ưu giúp gia đình tôi chủ động trong việc sàng lọc, lựa chọn thực phẩm an toàn mỗi ngày”, anh Hùng hào hứng. 

Trong bối cảnh bê bối thực phẩm như hiện nay, người tiêu dùng có quyền được chủ động lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho gia đình mình. Đó cũng là cách họ tự cứu mình trước “thảm họa” thực phẩm bẩn thay vì hi vọng vào lương tâm của nhà sản xuất, phân phối hay trông chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Đọc thêm