Chủ động nắm bắt UKVFTA: Chìa khóa để doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường Anh

(PLVN) - Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn nữa dư địa thị trường và lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), để xuất khẩu sang Anh sớm đạt mốc 10 tỷ USD.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đạt gần 6,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD (tăng 22,2% so với cùng kỳ) và nhập khẩu đạt 600 triệu USD.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Anh sang Việt Nam cũng khởi sắc rõ rệt sau khi thực thi UKVFTA. Tính đến tháng 10/2024, Anh có hơn 580 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,4 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Những con số này cho thấy hiệu quả của UKVFTA đối với hoạt động xuất khẩu và đầu tư giữa hai nước.

Ông Ngô Chung Khanh thông tin, UKVFTA được Việt Nam và Vương quốc Anh khởi động đàm phán vào năm 2018 và được Chính phủ hai nước ký kết ngày 29/12/2020 tại London (Anh), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Với những cam kết và tiến bộ cao được kế thừa từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), UKVFTA đã trở thành động lực thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước. Sau hơn 3 năm thực hiện, UKVFTA đã tạo động lực kinh tế mạnh mẽ, giúp người dân và doanh nghiệp hai bên vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Năm 2021 - năm khởi đầu của UKVFTA - trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Năm 2022, dù chịu ảnh hưởng của khó khăn kinh tế toàn cầu và suy thoái tại Anh, thương mại song phương giảm nhẹ nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh vẫn tăng khoảng 1,9%, trong đó một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam duy trì tăng trưởng ở mức hai con số. Năm 2023, khi hầu hết các thị trường xuất khẩu đều sụt giảm mạnh, có những thị trường giảm tới 30%, thị trường Anh lại tăng trưởng 11%.

Dù đạt được những kết quả tích cực, việc thực thi UKVFTA vẫn đối mặt với không ít khó khăn, chủ yếu liên quan đến tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa và phát triển bền vững. Các thị trường như Anh đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng và giá cả cạnh tranh. Các hàng rào kỹ thuật như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt đối với nông sản, được Anh áp dụng rất chặt chẽ.

Ngoài ra, quy định về nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp, hay các luật bảo vệ môi trường và chống suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu các sản phẩm như gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, và đậu tương.

Thị hiếu tiêu dùng tại Anh cũng có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe, nên các sản phẩm như thực phẩm thuần chay (vegan), không chứa gluten, và không đường dành cho người bị tiểu đường ngày càng phổ biến. Điều này khiến sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản trở nên phức tạp hơn và yêu cầu tính chuyên biệt cao hơn.

Do đó, để tận dụng UKVFTA hiệu quả hơn, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ về các cam kết và yêu cầu của Hiệp định, cũng như đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao tính tuân thủ và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường.

Ông Ngô Chung Khanh cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành hàng thâm nhập thị trường Anh hiệu quả hơn, cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Anh (Thương vụ) đang nỗ lực thúc đẩy kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp trong nước.

Thương vụ cũng cung cấp thông tin cập nhật về các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Anh, phổ biến thông tin về chính sách và cơ hội thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xác minh đối tác tại Anh, giải quyết tranh chấp thương mại, và tăng cường hợp tác với các hệ thống siêu thị tại Anh nhằm đưa hàng Việt vào chuỗi bán lẻ này.

Đọc thêm