Chủ động thích ứng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đó là quy định mới được Chính phủ ban hành.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổ chức Y tế Thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia đều có chung nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực to lớn “bao phủ vaccine”, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỉ lệ mắc. Do vậy, nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Đối với Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vaccine nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.

Ngay từ đầu khi dịch bệnh xuất hiện cho đến nay, Đảng và Nhà nước nhất quán bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhất quán với nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19 đã được xác định; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vaccine, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.

COVID-19 “hoành hành” trong thời gian dài gây ra thiệt hại không dễ đếm đo về kinh tế, xã hội, tính mạng con người ở nước ta. Nhìn lại, thời gian qua, các chính sách được ban hành có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác; trong đó bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mục đích của chúng ta là kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, từ đó phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập. Đây chính là hỗ trợ an sinh bền vững nhất, chăm lo con người bền vững nhất. Đây là lúc phải chủ động thích ứng.

Đọc thêm