Những đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam đã rõ. Song cũng như thành ngữ của người nước ngoài, “không có bữa trưa miễn phí”, mặt trái của vốn ngoại cũng đang ngày càng lộ rõ đòi hỏi nước chủ nhà phải có những giải pháp quản lý cấp bách.
|
Minh họa Internet |
“Võ công” chuyển giá
Số liệu từ cơ quan hải quan cho biết, tính đến hết tháng 10/2012, riêng trong lĩnh vực gia công, có 60 doanh nghiệp FDI đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh, không thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công. Hải quan TP.HCM đã thực hiện ấn định thuế với tổng số thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo số liệu từ Cục Thuế TP.HCM, số lỗ lũy kế của Cty Coca-Cola Việt Nam từ khi hoạt động vào năm 1994 đến năm 2006 là 2.736 tỉ đồng. Các năm sau đó, số lỗ của công ty này vẫn tiếp tục tăng thêm và đến năm 2008, lỗ lũy kế vượt qua con số 3.000 tỉ đồng, lên 3.066 tỉ đồng và đến năm 2011, số lỗ lũy kế của đơn vị này lên khoảng 3.700 tỉ đồng. Lỗ thì lỗ khủng khiếp như vậy, nhưng doanh thu của Coca-Cola qua các năm vẫn tăng bình quân từ 20 - 30%, doanh thu vượt mức 1.000 tỉ đồng từ năm 2006 nhưng công ty vẫn khai lỗ triền miên.
Mới đây nhất, cơ quan thuế đang nghi ngờ Cty TNHH một thành viên Keangnam-Vina (100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc) đã chuyển lợi nhuận sang công ty mẹ thông qua giao dịch liên kết. Theo đó, tháng 5/2007, khi thực hiện đầu tư dự án căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại huyện Từ Liêm (Hà Nội), Cty Keangnam-Vina vay vốn từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc)-thành viên trong cùng tập đoàn-với tổng vốn vay 400 triệu USD.
Nhưng Cty Keangnam-Vina phải trả lãi vay bình quân các năm tới 12%/năm, cao hơn cả lãi vay USD ngân hàng Việt Nam (khoảng 5-7%/năm). Khoản lãi vay, chi phí tài chính đã được hạch toán là 2.030 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng Ban cải cách (Tổng cục Thuế) cho biết, Cty Keangnam-Vina đã vay vốn của ngân hàng cùng tập đoàn với lãi suất cao, trả trước chi phí dàn xếp vốn vay cho công ty mẹ, tức là có giao dịch giữa 3 đơn vị cùng tập đoàn. Đây là một căn cứ để cơ quan thuế nghi vấn dấu hiệu chuyển giá...
Trước thực trạng này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã hoàn thiện Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020. Được biết, Chính phủ đã giao Bộ này xây dựng Nghị quyết phối hợp với các bộ, ngành, tháng 1 này sẽ trình Chính phủ. Riêng về chống chuyển giá, vừa qua Bộ KH&ĐT đã xây dựng Đề án Chống chuyển giá trình Chính phủ với những nội dung chính liên quan đến thuế hải quan và quản lý tài chính của doanh nghiệp.
Chủ nhà phải làm chủ cuộc chơi
Chuyển giá chỉ là một trong những “hệ lụy” từ tu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tồn tại bên cạnh đó, còn là hàng loạt những biểu hiện mặt trái khác, như vi phạm pháp luật về môi trường, lao động, rồi “mỡ nó rán nó”… Ông Hoàng nói rằng, trong thời gian tới Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra toàn diện hoạt động của các DN FDI, để có những biện pháp chẩn chỉnh kịp thời.
Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, Bộ đã đề ra 9 giải pháp cơ bản về cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI. Trước hết là phải hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2011 – 2020 nhưng cũng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, Bộ cũng sẽ thực hiện tốt ba khâu: cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra sẽ cải tiến phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Một mặt, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan về quản lý các dự án có quy mô, tác động lớn, tính lan tỏa cao phải có quy trình thẩm tra của các Bộ, ngành; một mặt Bộ cũng đang xây dựng để trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 61 về thu hút đầu tư, hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản cho đồng bào vùng sâu, vùng xa…
Trong điều kiện một nền kinh tế đang phát triển, vốn ngoại là một nhu cầu khách quan tối cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã quá thấm thía hệ lụy của cái thời “thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá”. Hy vọng, chủ nhà sẽ làm chủ cuộc chơi như điều các bình luận viên vẫn nói trong các trận bóng.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc năm 2012, Việt Nam chỉ thu hút được 12,72 tỷ USD vốn FDI (bằng 77,6% năm 2011), cách xa mục tiêu kế hoạch từ 15-17 tỷ USD. Vốn giải ngân FDI năm 2012 đạt 10,46 tỷ USD (bằng 95% năm 2011). |
Mai Hoa