“Tự nguyện” trả đất?
Toàn bộ diện tích đất rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình sau khi trả lại đã được UBND tỉnh Quảng Bình chuyển mục đích sử dụng và giao ngay cho nhà đầu tư, chính quyền địa phương để thực hiện dự án du lịch dịch vụ hoặc gián tiếp phục vụ các dự án nói trên.
Cụ thể, với lý do “không còn nhu cầu sử dụng”, gần 73.000m2 đất rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới đã được đơn vị này “tự nguyện” trả lại cho tỉnh. Lập tức, hàng chục ngàn mét đất có vị trí đẹp nằm trên bán đảo Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đã được giao cho Công ty CP Golden City để thực hiện dự án đầu tư Resort Golden City.
Cũng với lý do trên, cách đây ít ngày , Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình cũng “tự nguyện” trả lại hơn 20.000 m2 đất rừng tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh).
Việc các đơn vị trồng và bảo vệ rừng bỗng dưng “nói không” với gần 100.000 m2 đất khiến nhiều người quan ngại về khả năng bảo vệ môi trường, phòng chống cát bay, cát nhảy tại những vị trí nói trên, bởi khu đất rừng này đều nằm ở vùng ven biển Quảng Bình.
“Các ban quản lý rừng phòng hộ vừa có rừng phòng hộ vừa có rừng sản xuất. Toàn bộ phần đất mà các đơn vị này trả lại đều là đất rừng sản xuất. Thực tế, do không có nhu cầu sử dụng, các đơn vị này xin trả và tỉnh ra quyết định thu hồi giao lại cho các tổ chức, đơn vị khác sử dụng theo đúng quy định Luật Đất đai”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân giải thích.
Đại diện UBND tỉnh này cũng cho biết thêm, trước khi chính quyền tiến hành thu hồi đất, giữa chủ rừng và doanh nghiệp được thuê đất đã có sự thống nhất về bồi thường tài sản trên diện tích đất rừng sản xuất.
Trồng rừng phi lao ven biển có tác dụng bảo vệ môi trường và chống cát bay, cát nhảy |
“Phù hợp quy hoạch”
Trả lời câu hỏi, việc 2 Ban quản lý rừng phòng hộ trả lại đất rừng có phải là sự “tự nguyện” như văn bản tỉnh nêu hay là sự hợp thức hoá cho việc cắt đất rừng để thực hiện các dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Quảng Bình, ông Ngân đáp: “Việc giao đất cho doanh nghiệp triển khai dự án đều phù hợp với quy hoạch về phát triển lĩnh vực dịch vụ thương mại của tỉnh tại những khu vực này. Hơn nữa, trước khi triển khai, vấn đề trên đã được chủ trương đồng ý từ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh”.
Sở dĩ dư luận quan tâm việc này là vì trước đó có tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp sau khi được giao hàng ngàn m2 “đất vàng” ven biển Bảo Ninh đã không thực hiện việc đầu tư như cam kết mà có dấu hiệu quây tôn giữ đất; thậm chí, còn có dư luận, có đơn vị bí mật tìm đối tác để “sang tay” quyền thuê đất, kiếm lời?
Sau khi PLVN phản ảnh thực trạng nói trên, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Hoàng Đăng Quang cách đây không lâu đã khẳng định, dự án nào đã được giao đất, đến hạn mà không triển khai thì sẽ kiên quyết cho thu hồi. “Cái nào có biểu hiện trì hoãn sử dụng đất thì cho thanh, kiểm tra để xác định nguyên nhân, kiến nghị giải pháp cụ thể chứ không thể để lãng phí nguồn lực này một cách vô lý như vậy được”, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình nhấn mạnh.
Được biết, đối với dự án resort của Công ty CP Golden City, ngoài việc được giao cho thuê hơn 72.000m2 đất rừng, doanh nghiệp này còn được thuê thêm một diện tích đất giao thông, thuỷ lợi… thu hồi từ UBND xã Bảo Ninh. Đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Bình thì khẳng định, đây là nhà đầu tư “nói thật, làm thật”, với một dự án trị giá gần 400 tỷ đồng trong tương lai.
Trao đổi với PLVN, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Bình Trần Phong cho hay, Sở này đã có Quyết định số 153/QĐ-STNMT về việc tổ chức thanh tra các dự án đã được giao đất và cho thuê dất. “Theo kế hoạch, chúng tôi làm gần 40 dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có một số dự án đã bàn giao đất để xây dựng khu du lịch ven biển, kể cả khu vực ven biển Bảo Ninh, TP.Đồng Hới ”, ông Phong nói.