Một dạo, người “nhà đèn” đi đâu, ai cũng tự hào vì Tập đoàn có “trong tay” một lực lượng lao động khá hùng hầu. Nhưng, trong xu thế hội nhập và phát triển, khoa học công nghệ đang ngày một lên ngôi, thì đông “quân” chắc gì đã lợi thế?
Thành phố vắng bóng áo cam
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN đã dẫn chứng một câu chuyện cụ thể ở một đơn vị cấp 3, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) để chứng minh mức độ giải phóng sức lao động “cực lớn” nếu ngành Điện biết coi trọng và ứng dụng ở mức cao nhất tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh điện năng.
Chủ tịch EVN Dương Quang Thành: “Phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu sức lao động chân tay” |
“Nhờ công nghệ RF-Spider mà khái niệm lưới điện thông minh dần hình thành ở TP. Đông Hà. Với việc ứng dụng công nghệ đọc chỉ số từ xa thông qua hệ thống công tơ điện tử, cả thành phố này giờ không còn bóng dáng của những anh công nhân mặc áo cam đi ghi chỉ số công tơ lưu động trong các khu dân cư”, ông Thành nói.
Không chỉ tăng năng suất lao động, giảm chi phí cho Điện lực Quảng Trị, RF-Spider - với công nghệ không dây theo kiểu mắt lưới, sử dụng đường truyền sóng vô tuyến tầm ngắn RF còn có thể giúp khách hàng dùng điện tự mình tra cứu các thông số của công tơ trên máy tính hoặc các thiết bị di động có kết nối internet, ở bất kỳ thời điểm nào. Điều đó giúp thỏa mãn nhu cầu cao nhất của hàng vạn khách hàng dùng điện ở thành phố Bắc miền Trung này.
Không những thế, hệ thống RF-Spider còn nâng cao chất lượng quản lý vận hành như theo dõi được tình trạng hoạt động của công tơ, nhanh chóng phát hiện sai sót trong hệ thống đo đếm, các sự cố hoặc gian lận điện… để xử lý kịp thời. Đặc biệt, tiện ích nói trên còn giúp cho ngành Điện có thêm thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Không chỉ ở Quảng Trị, ứng dụng công tơ điện tử không dây theo kiểu mắt lưới RF-Spider còn được Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế triển khai thành công tại Điện lực Bắc Sông Hương. EVNCPC cũng chỉ đạo lắp đặt cho toàn bộ 14 trạm biến áp, với hơn 4.000 công tơ đo đếm tương tự tại Điện lực Lý Sơn thuộc Công ty Điện lực Quảng Ngãi...
Ngoài những ứng dụng vừa nêu, gần đây, khái niệm truyền tải điện thông minh hay trung tâm điều khiển và trạm biến áp không người trực (hệ thống SCADA)... được đề cập ngày một nhiều và dần xuất hiện tại các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và EVNCPC... như là một xu thế tất yếu để hỗ trợ quản lý thu thập dữ liệu, điều khiển thao tác đóng cắt từ xa các thiết bị của trạm biến áp và lưới điện phân phối.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí 96/190 |
“Hoà nhịp” cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
“Thật tình mà nói, trước đây, anh em ngành Điện khi ra ngoài, ít nhiều ai cũng có sự tự hào rằng Tập đoàn của tôi có tới cả trăm ngàn con người. Nhưng trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ như hiện này, nhất là khi chúng ta đã đề cập tới xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì giờ không phải lúc để tự hào nói rằng tôi có 10 vạn người. Điều quan trọng là nguồn nhân lực của “anh” đang làm việc như thế nào, hiệu quả ra sao?”, lời Chủ tịch Thành.
Có lẽ với quyết tâm này mà HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết và lấy chủ đề của năm mới 2017 là năm của “Đẩy mạnh khoa học, công nghệ”, với trọng tâm là các đề tài nghiên cứu và dự án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ đem lại hiệu quả trong quản lý, sản xuất, truyền tải và phân phối điện, góp phần tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, tại hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 mới đây của EVN, ông Dương Quang Thành đã nhấn mạnh: “Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, năng suất lao động nói chung của Việt Nam còn thấp, trong đó, năng suất lao động của ngành Điện mặc dù tương quan vẫn cao hơn bình quân chung của đất nước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều công ty cùng chuyên ngành trong khu vực. Đây là tồn tại mà EVN cần khắc phục, phải thay đổi tư duy, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu sức lao động chân tay.”
Để phục vụ mục tiêu này , dự kiến năm 2017, EVN sẽ thành lập một Trung tâm Nghiên cứu khoa học và ứng dụng thuộc Tập đoàn, sau khi được Thủ tướng phê duyệt chủ trương. Đồng thời quan tâm đẩy mạnh các hoạt động, chương trình hợp tác quốc tế nhằm tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến. Tăng cường sử dụng, khai thác tối đa các điều khoản về chuyển giao công nghệ, đào tạo trong các hợp đồng mua sắm dây chuyền sản xuất, vật tư thiết bị, các hợp đồng dịch vụ tư vấn, đảm bảo làm chủ công nghệ. Khuyến khích các cá nhân, tập thể đề xuất sáng kiến, giải pháp kỹ thuật.
“Việc áp dụng khoa học công nghệ được dự báo sẽ làm tăng năng suất lao động, nhưng cũng sẽ làm dôi dư lao động. Vì thế, các đơn vị và Tập đoàn phải xây dựng kế hoạch đào tạo lại, bố trí hợp lý và xây dựng chế độ chính sách hợp lý đối với lực lượng lao động”, Chủ tịch EVN nhấn mạnh tại cuộc họp cuối năm của toàn Tập đoàn.
Chỉ số hài lòng của khách hàng mới tăng 0,42 điểm
Năm 2016, điểm bình quân về mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện toàn EVN là 7,69/10 điểm - tăng 0,42 điểm so với năm 2015. Tất cả các tổng công ty Điện lực đều có điểm bình quân đạt trên 7,5 điểm. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tính chung toàn Tập đoàn tăng 11% so với năm 2015 (đạt 1,737 triệu kWh/người). EVN cho hay, đã hoàn thành Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.