Đang là Tổng giám đốc (TGĐ), Bí thư Đảng ủy Cty Cổ phần XNK và Đầu tư Thừa Thiên – Huế (UNIMEX Huế) ông Nguyễn Quốc Tuấn bị ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty ngon ngọt “Anh viết đơn từ nhiệm chức TGĐ, làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT sẽ được nhận lương cao hơn…”. Nhưng kể từ khi nhận công việc mới, ông Tuấn không được trả lương mà nhận được quyết định cho thôi việc. Cũng tại Cty này, hàng loạt cán bộ chủ chốt bị ép nghỉ việc và điều chuyển công tác tùy tiện, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, gây bức xúc trong dư luận.
|
Trụ sở UNIMEX Huế |
Tổng giám đốc bị “lừa”?
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Nguyên là TGĐ UNIMEX Huế bức xúc: “Vì nghe ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT, dụ dỗ chuyển sang làm Phó chủ tịch Thường trực HĐQT để nhận lương cao hơn nên tôi mới viết đơn xin từ nhiệm. Nhưng khi có đơn của của tôi, ông Võ Văn Hảo, TGĐ lại ra quyết định cho tôi thôi việc. Tôi viết đơn từ nhiệm thì không có nghĩa tôi xin thôi việc. Tôi đang là thành viên HĐQT thì việc cho tôi thôi việc phải được thông qua HĐQT nhưng ông Hảo lại tự ý làm”.
Trước việc làm ngang ngược của ông Hảo, ông Tuấn đã gửi văn bản đến ông Lê Hùng kiến nghị giải quyết nhưng không được hồi đáp. Còn ông Hảo tiếp tục chỉ đạo Trưởng Phòng hành chính nhân sự buộc ông Tuấn phải nhận quyết định thôi việc. ‘‘Việc này là sai quy định vì ông Hùng đã ký trong biên bản họp HĐQT ngày 28/3/2012 rằng “Để Unimex Huế phát triển, đi đúng hướng trong 5 năm tới, Chủ tịch HĐQT đề cử ông Tuấn là PCT thường trực HĐQT và có nhiệm vụ cùng với chủ tịch và các thành viên HĐQT định hướng, hoàn thiện chiến lược 2013 - 2017 của Unimex Huế”. Như vậy tôi chỉ chuyển vị trí công tác (đến năm 2017) chứ không thể buộc thôi việc”- ông Tuấn trình bày.
Việc làm của ông Hảo sai về nguyên tắc, Luật DN, điều lệ Cty và vượt thẩm quyền vì Điều 116 Luật DN nêu rõ: TGĐ được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh trong Cty trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐQT. Trong khi ông Tuấn là thành viên của HĐQT và việc từ nhiệm ông Tuấn phải do HĐQT quyết định. Cũng theo khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động, việc chấm dứt hợp đồng lao động phải thông qua Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và báo cho cơ quan lao động địa phương biết. Tuy nhiên ông Hảo đã bỏ qua điều này.
“Vì chưa có quyết định chính thức cho tôi nghỉ việc đúng pháp luật nên với cương vị là Bí thư Đảng ủy và Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT ngày nào tôi cũng đến làm việc. Tôi liên hệ qua điện thoại và email thì ông Hùng và ông Hảo không bắt máy, trả lời. Từ 4 tháng nay tôi cũng không được Cty trả lương đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của bản thân và gia đình”- ông Tuấn cho biết thêm.
Hàng loạt cán bộ chủ chốt mất việc
Theo báo cáo của Đảng ủy Cty Unimex Huế, có 11 cán bộ, đảng viên chủ chốt của Cty bị cách chức, nghỉ việc, điều chuyển công tác không rõ lý do. Nhiều người bị ông Võ Văn Hảo, TGĐ đuổi việc hoặc bất đắc dĩ phải viết đơn xin thôi việc. Bà Khương Thị Vĩnh Hằng đang là Bí thư chi bộ, quản đốc xưởng thêu kimono thì ngày 5/5/2012 được điều về làm nhân viên Phòng tổ chức hành chính. Bà Hằng nói “Tôi là Bí thư chi bộ, Quản đốc phân xưởng, gắn bó với Cty đã hàng chục năm. Trong công việc luôn hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật nhưng đột ngột ông Hảo điều chuyển tôi xuống làm nhân viên hành chính mà không có sự bàn bạc, thống nhất của Đảng ủy và công đoàn. Vì quá bức xúc nên tôi đã viết đơn xin thôi việc”.
Ông Lê Đức Phú, nguyên Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Phòng tài chính kế toán cho biết: “Đầu tháng 4, ông Hảo nói sẽ cách chức tôi mà không nói lý do, cũng không họp HĐQT trong khi tôi là thành viên HĐQT. Bị ông Hảo “khủng bố” về tinh thần nên tháng 5 tôi viết đơn từ chức và ngày 1/6 có quyết định thôi việc”. Ông Lê Thế Thuận, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Cty cũng bị điều chuyển xuống phụ trách HCNS nhà máy may công nghiệp mà không thông qua tổ chức công đoàn.
Ông Phạm Phú, Bí thư chi bộ kiêm quản đốc xưởng may công nghiệp, một người đã gắn bó nhiều năm với Cty cũng bị cách chức không có lý do. Ngoài những trường hợp trên, còn có 8 trường hợp khác là cán bộ chủ chốt bị cách chức, mất việc. Họ đều khẳng định mình không vi phạm, bị kỷ luật nào và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều hành tổ chức tùy tiện
Ông Phan Ngà, nguyên Chủ tịch Công đoàn cho biết, việc bầu cử BCH Công đoàn cũng bị ông Hảo gây cản trở, sắp xếp nhân sự theo ý của ông. Chỉ khi có quyết định của Công đoàn cấp trên, ông Hảo mới chịu chấp nhận.
Theo ông Tuấn, ông Hảo không tôn trọng tổ chức Đảng, Công đoàn Cty. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng nhiều biện pháp, thủ đoạn, ông Hảo đã ép buộc, cho thôi việc 11 người là Bí thư, phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ, đảng viên của Unimex Huế.
|
Ông Võ Văn Hảo trong buổi làm việc với PLVN |
Kể cả ông Tuấn là Bí thư Đảng ủy cũng bị ông Hảo xem thường và vô hiệu tổ chức Đảng. Việc điều hành, quản lý Cty có sự buông lỏng, sai phạm. Cụ thể, ông Hảo thường xuyên vắng mặt, mỗi tháng chỉ có mặt tại Cty không quá 7 ngày. Một điều trớ trêu nữa là con dấu của Unimex Huế không có tại trụ sở mà được ông Hảo đem vào TPHCM.
Ông Tuấn cho biết thêm, việc điều hành tùy tiện, không theo tổ chức của ông Hảo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận công ty chỉ đạt 6% so với kế hoạch 3,5 tỷ đồng, không đạt chỉ tiêu do Đại hội đồng cổ đông đề ra. Việc buông lỏng quản lý đã dẫn đến việc công nhân xưởng may 2 đình công nghỉ việc ngày 7/7/2012. Ông Hảo còn sai phạm về tài chính, điều lệ Cty và vi phạm pháp luật khi tự ý bán dây chuyền máy may đang hoạt động mà không thông qua Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, không tổ chức đấu giá. Những giải trình của ông trước HĐQT mới đây không thuyết phục.
Sau khi dẫn chứng cho chúng tôi hàng loạt người bị cách chức, thôi việc, bị giảm lương, ông Nguyễn Văn Minh và ông Phan Ngà cho biết: “Việc cách chức, bổ nhiệm, trả lương cho cán bộ, người lao động rất tùy tiện, theo cảm tính, không theo quy trình, quy chế. Người có khả năng và thâm niên mà không nghe thì bị loại trừ và thay bằng người từ Gilimex đưa về hoặc người biết ngoan ngoãn nghe lời”.
Ông Tuấn cho rằng, ông Hảo làm TGĐ là vi phạm pháp luật bởi ông Hảo đang là giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM và theo khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức thì viên chức chỉ được góp vốn nhưng không được tham gia quản lý, điều hành công ty TNHH, công ty cổ phần.
Ông Minh, ông Tuấn, ông Ngà, ông Phú và bà Hằng cho biết, từ khi ông Hảo làm TGĐ đã gây mất ổn định, chia rẻ, xáo trộn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty, khiến 954 cán bộ, công nhân viên hoang mang. Họ rất lo lắng bởi lãnh đạo Cty đang tìm cách tư bản hóa, biến tài sản Nhà nước thành của riêng.
Tại buổi làm việc ngày 22/8, trả lời câu hỏi của PV về việc cách chức bổ nhiệm cán bộ có đúng quy trình, ông Võ Văn Hảo không trả lời được, chỉ im lặng sau đó “ủy quyền” cho luật sư trả lời thay (?).
QUANG TÁM