Chủ tịch nước: Giấc mơ ‘Việt Nam thịnh vượng’ được soi đường bằng ánh sáng của tri thức

(PLVN) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã góp phần tạo nên năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam và giấc mơ “Việt Nam thịnh vượng” chỉ có thể được soi đường bằng ánh sáng của tri thức.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và TSKH Phan Xuân Dũng trao tặng biểu trưng và bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và TSKH Phan Xuân Dũng trao tặng biểu trưng và bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu.

Sáng 21/5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu năm 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới giành lại được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Học tập tư tưởng của Bác Hồ trong việc trọng dụng người tài đức, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển của KH&CN của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quan điểm nhất quán của Đảng ta về phát triển đất nước là “phải bằng và dựa vào KH&CN”, “phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn nhất quán xác định khoa học - công nghệ là quốc sách. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một đột phá chiến lược của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu hiện nay. Đội ngũ các nhà trí thức khoa học công nghệ Việt Nam chính là hạt nhân của tiến trình này.

Chủ tịch nước phát biểu tại buổi Lễ.

Chủ tịch nước phát biểu tại buổi Lễ.

Theo Chủ tịch nước, từ khi ra đời vào ngày 29/7/1983 đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam trong nước và nước ngoài, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình tư tưởng chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Nhiều nhà khoa học đã được Đảng và Nhà nước vinh danh là Anh hùng lao động như GS Trần Đại Nghĩa, GS Lương Định Của, GS Bùi Huy Đáp, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, Nhà nghiên cứu Trương Hoàng Chương... và nhiều nhà khoa học khác đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng tự nhìn thẳng, đề cập thẳng thắn trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII rằng “Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao;… Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, vẫn còn phụ thuộc vào bên ngoài".

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay đã mở ra cơ hội để nước ta rút ngắn khoảng cách, tăng tốc phát triển. Vị thế và yêu cầu của đất nước đang đòi hỏi đội ngũ trí thức KH&CN nước nhà hãy miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ các công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế của mình.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức KH&CN, là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, Chủ tịch nước đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò tham vấn chính sách khoa học & công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ chế chính sách về tài chính, điều kiện làm việc, đãi ngộ…cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ; kết nối tốt hơn các nhà khoa học, xây dựng khối đại đoàn để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ ngành quan tâm cụ thể hơn đến nhà khoa học và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật để họ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các địa phương và của đất nước.

“Nhiệt huyết thiếu đi tri thức là lửa thiếu đi ánh sáng. Giấc mơ Việt Nam thịnh vượng chỉ có thể được soi đường bằng ánh sáng của tri thức. Tôi mong rằng thành công của các nhà khoa học được vinh danh hôm nay sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, tạo ra động lực lan tỏa thúc đẩy đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của nước nhà”, Chủ tịch nước tin tưởng.

Trong 106 trí thức được tôn vinh lần này có hơn một nửa có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên. Trí thức cao tuổi nhất là Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bảo Châu, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, 93 tuổi; trí thức trẻ nhất là Giáo sư Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, sinh năm 1981.

Đọc thêm