Chủ tịch nước nói về việc truy bắt tội phạm tham nhũng

"Các cơ quan đã vào cuộc một cách tích cực, dù lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, có những người trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng rồi vẫn không thể thoát", Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Chủ tịch nước nói về việc truy bắt tội phạm tham nhũng

Tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và 4 (TP HCM) sáng nay, 4/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang  trả lời nhiều vấn đề cử tri quan tâm như: Việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, người thân, con em vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm các tiêu chuẩn về trình độ, đạo đức, năng lực; vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh...

Chủ tịch nước cho biết, trong vụ sai phạm tại công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan đã làm rõ trách nhiệm, khởi tố vụ án, bắt 4 người liên quan và đang truy nã trong nước, quốc tế đối với ông Thanh.

"Các cơ quan đã vào cuộc một cách tích cực, dù lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng. Kinh nghiệm trước đây cho thấy, có những người trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng rồi vẫn không thể thoát", VnExpress dẫn lời Chủ tịch nước.

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều kiến nghị về các nội dung như: Luật về Hội, quy trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; việc xử lý các vụ án tham nhũng, đề bạt cán bộ không đúng gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước; hoạt động đầu tư, sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước; bảo đảm an toàn giao thông; nợ công và vai trò giám sát của Quốc hội.

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhấn mạnh những vấn đề cử tri quan tâm.

Về vấn đề nợ công, Chủ tịch nước nêu rõ: Đây là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Để giải quyết vấn đề hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công, cần có chỉ tiêu về đánh giá an toàn nợ công trong giai đoạn 2016-2020 như: Khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách; mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hằng năm; tỉ lệ nợ công/GDP.

Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. 

Quốc hội cũng sẽ nghe Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Báo cáo về công tác thi hành án, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đọc thêm