Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh: Tập đoàn Dầu khí tính việc cho “ngủ” một số giếng dầu

(PLVN) - Giá dầu thế giới đang chao đảo, giảm sâu xuống mức kỷ lục. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, giá dầu WTI đã rớt xuống dưới 0 USD/thùng. Vậy, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã có những biện pháp gì để hạn chế thiệt hại?
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh.
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh.

Phương án cắt giảm sản lượng

Ngày 20/4 (rạng sáng 21-4 giờ Việt Nam) trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI (Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Lúc đầu, mức giá rơi xuống tận -40,32 USD/thùng rồi quay ngược lại mức -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch.

Sáng nay (21/4), ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN, cho biết đơn vị này đang phải họp gấp để bàn các giải pháp đối phó với việc giá dầu thế giới ngày càng xuống thấp.

Trong khi đó, trao đổi với PLVN, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN, cho biết, về tổng thể, nếu giá dầu xuống thấp quá, không đủ chi phí thì PVN sẽ tính đến việc cho “ngủ” một số giếng dầu, tức cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô. Ngoài ra, PVN cũng đang tính việc tích trữ dầu thô, đợi giá lên mới bán.

Một biện pháp khác đang được PVN tính đến là tăng công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn. “Không nhập khẩu xăng nữa mà PVN sẽ cung cấp dầu thô tối đa cho Bình Sơn sản xuất xăng; tranh thủ khâu sau bù khâu đầu”, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho biết.

Cũng theo Chủ tịch PVN, đến nay hoạt động khai thác dầu thô và thương mại của PVN vẫn hoạt động bình thường. “Bây giờ vẫn khai thác và bán bình thường. Tuy nhiên PVN đang tính giảm sản lượng xuống, nhưng với đặc thù các mỏ dầu không phải nói giảm là giảm ngay như kiểu vặn van được, chỉ giảm được ở mức độ nhất định”, ông Thanh nói.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết thêm, hiện PVN sở hữu 100% một số mỏ dầu, nhưng cũng có những mỏ liên danh với nước ngoài, việc cắt giảm khai thác phụ thuộc vào cả những đối tác này. “PVN đã bàn bạc, tính toán, giá dầu giảm đến mức nào thì đóng những mỏ nào. Việc này được nghiên cứu và thực hiện linh hoạt theo từng ngày, từng giờ”, Chủ tịch PVN nói.

Mỏ Đại Hùng của PVN
 Mỏ Đại Hùng của PVN

Ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), cho hay, trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, mọi việc cần phải được tính kỹ hơn thiệt cho PVN và cho Nhà nước. “Các biện pháp đều mang tính tương đối trong lúc này. Giờ chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua đi, giá dầu tăng trở lại về mức trước khi có dịch. Có như vậy thì PVN, PVEP mới sớm phát triển ổn định trở lại”, lãnh đạo PVEP nói.

Giá dầu thô mức dưới 0 USD chỉ trên lý thuyết?

Bàn về giá dầu thế giới đang giảm sâu, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Trưởng ban Khai thác dầu khí của PVN cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm sâu xuống dưới 20 USD/thùng như hiện nay là do tác động từ dịch Covid-19 và mâu thuẫn về sản lượng khai thác dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út.

Nói về giá dầu WTI ở thị trường Mỹ xuống mức âm, ông Toàn cho biết thông tin này rất bất ngờ. “Tôi cho rằng mức giá âm này chỉ là giao dịch trên sàn chứng khoán, tức là trên lý thuyết, thực tế không có chuyện người bán phải trả tiền cho người mua”, ông Toàn nói.

Trước câu hỏi các mỏ dầu ở Việt Nam có nên đóng lại để tránh ảnh hưởng, ông Toàn cho rằng đóng lại cũng được nhưng cái gì cũng có hai mặt. Theo phân tích của ông Toàn, nếu đóng các mỏ sẽ khống chế được lượng dầu, tuy nhiên như vậy công nhân sẽ mất việc, dòng tiền nhà đầu tư cũng ảnh hưởng.

Hơn nữa, máy móc thiết bị tại các giếng dầu nếu bỏ không khoảng hai tuần sẽ hoen gỉ, hỏng hóc, thiệt hại lớn về kinh tế. “Phương án đóng mỏ là không nên nhưng cần giảm sản lượng khai khác, nhưng vẫn duy trì việc làm cho công nhân, máy móc thiết bị vẫn đảm bảo hoạt động”, ông Toàn nói và cho rằng, lượng dầu mỏ ở Việt Nam không nhiều, nếu giá thấp quá mà vẫn tiếp tục khai thác tối đa công suất và bán thì gây lãng phí tài nguyên quốc gia. “Trước đây mỗi ngày PVN khai thác được khoảng hơn 300.000 thùng, nhưng nay chỉ còn hơn 200.000 thùng”, ông Toàn nói.

Đọc thêm