Báo cáo tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tạo điều kiện cho tỉnh Thanh Hóa có thêm nguồn lực thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là cần thiết, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp. |
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; quản lý, sử dụng rừng... được Chính phủ đề xuất cho Thanh Hóa.
Chẳng hạn, tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định…
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, đa số ý kiến nhất trí cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tỉnh trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính “đột phá” về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền.
Về mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết nhằm tạo căn cứ, dư địa để tỉnh Thanh Hóa có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển; đồng thời đề nghị việc huy động vốn vay phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với khả năng trả nợ của ngân sách địa phương, khả năng huy động trong bối cảnh hiện nay, khả năng hấp thụ của địa phương…
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức vay là khá cao, đề nghị cân nhắc vì đối với thực tiễn của Thanh Hóa. Việc đề xuất điều chỉnh mức dư nợ vay lên tới 60% quá cao, cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của một địa phương hiện vẫn đang nhận trợ cấp của Trung ương.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Bên cạnh đó, so với thực hiện của một số địa phương, việc quy định trần mức vay như trong dự thảo Nghị quyết cao, khó phát huy hiệu quả trên thực tế. Mặt khác, đây là Nghị quyết thí điểm nên có thể xác định ở ngưỡng vừa phải. Việc dự kiến mức tăng quá cao của Thanh Hóa có thể sẽ làm hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác trong cả nước; đề nghị Chính phủ tính toán nhằm bảo đảm tính hợp lý.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với mức dư nợ vay không vượt quá 60%; cho rằng đây là mức nằm trong an toàn nợ công và nếu hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác trong cả nước, Bộ Tài chính cũng không thể phân bổ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu kỹ lại đề án thí điểm thu thuế nhà ở đô thị do chi phí thu thuế tốn kém, hiệu quả thu về không cao.
Về việc để lại tăng thu từ xuất nhập khẩu cho tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với quy định này nhưng không “chốt” cứng 70% mà để từng năm, Chính phủ có thể thay đổi và nhấn mạnh thêm rằng tỉnh cũng phải đảm bảo không hụt thu ngân sách Trung ương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí quy định hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng) để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.