Chủ tịch Quốc hội: Tuyên bố khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV

(PLVN) - Sáng 5/1, tại Hà Nội, Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự.

Trước khi vào phiên khai mạc, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách sau đây:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Thứ nhất, về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trên cơ sở Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XIII) về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và trên cơ sở việc phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển quốc gia, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực phát triển…, đề nghị Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề:

(1) Xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; (2) Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển; (3) Định hướng về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ; (5) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch…

Căn cứ Tờ trình, hồ sơ trình của Chính phủ, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện, quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học và khả thi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Thứ hai, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương của các cơ quan, đến thời điểm này, dự án đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đề nghị các vị đại biểu tập trung tiếp tục thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, căn cứ để phân cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển đổi, phân cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; phương thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục; quy định về chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nhân viên y tế trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; lộ trình thực hiện và điều khoản thi hành Luật; v.v...

Thứ ba, về tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc biệt cho phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội

Nghị quyết 30 đến nay đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021, 2022 và đã chính thức hết hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2022. Đề nghị các vị đại biểu tập trung phân tích đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về bối cảnh ban hành, kết quả thực hiện Nghị quyết, bài học kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách; đồng thời, cho ý kiến làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tác động của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Thứ tư, về vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: (1) việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; (2) việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; (3) việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Đây là các nội dung cần trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, nhưng do các cơ quan chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo quy định, nên cần được xem xét, quyết định tại Kỳ họp này để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện từ đầu năm 2023. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, góp ý kiến cụ thể về từng vấn đề; hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm tính chính xác, hợp lý, khả thi, rõ trách nhiệm gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội.

Thứ năm, về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp bất thường diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2023, đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2023), xem xét, quyết định các nội dung hết sức quan trọng. Rút kinh nghiệm từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng. Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết với chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, quyết định”, Chủ tịch Quốc hội nói và tuyên bố khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV với niềm phấn khởi về những thành tựu của đất nước trong năm 2022 và với niềm vui đón chào năm mới 2023.

Đọc thêm