Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu xử lý dứt điểm các hộ dân tự ý bao chiếm trên đất rừng phòng hộ

(PLVN) -  Theo nguồn tin của Báo Pháp luật Việt Nam, ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký Công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân khẩn trương xử lý dứt điểm việc các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết.

Khu vực 02 hộ dân tự ý bao chiếm nuôi sò huyết nằm trong bờ kè chắn của đê biển Tây.

Trước đó, tại Công văn số 1658/UBND-NNTN ngày 13/32023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có yêu cầu ngành chức năng giải tỏa dứt điểm các dụng cụ, vật tư bao chiếm đất rừng phòng hộ trái phép để nuôi sò huyết (cây cọc, lưới bao, nhà chòi, con giống,...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm, không để xảy ra trường hợp tương tự trong thời gian tới.

Do đó, ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Phú Tân và các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, đảm bảo xử lý dứt điểm; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 10/4/2023. “Sau thời gian này, nếu chưa hoàn thành việc xử lý hoặc để phát sinh, thủ trưởng sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh” - Công văn 2283/UBND-NNTN nêu rõ.

Sau đó, tại Công văn số 2089/UBND-NNTN ngày 28/3/2023, về việc các hộ dân tự ý bao chiếm khu vực bãi bồi thuộc đất rừng phòng hộ để nuôi sò huyết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có ý kiến chỉ đạo tại văn số 1658/UBND-NNTN ngày 13/3/2023. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Trần Văn Thời và các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý buộc tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu.

Người dân tháo dỡ chòi canh giữ sò huyết nằm trong diện tích đất rừng của Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây.

Được biết, Khu vực người dân tự ý bao chiếm nuôi sò huyết kéo dài từ cửa biển Sông Đốc đến đầu kênh Quản Thép với chiều dài bao chiếm gần 2 km (thuộc Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời); 02 hộ là ông N.T.E (sinh năm 1975, lao động tự do, hiện cư ngụ tại Khóm 11, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) đã tự ý báo chiếm 30,50 ha và ông N.V.L (sinh 1959, lao động tự do, hiện đang cư ngụ tại Ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), tự ý bao chiếm diện 0,3 ha.

Qua kiểm tra, vị trí 02 hộ trên bao chiếm tại khoảnh 16, tiểu khu 5B, đây là khu vực đất rừng phòng hộ đã bị sạt lở, không có cây rừng).

Hành vi chiếm đất rừng sản xuất bị quy định xử phạt tại Điều 14 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, cụ thể là bị xử phạt tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 14. Cụ thể: Trường hợp cá nhân lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm < 0,02 ha; Phạt tiền 5-7 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 đến < 0,05 ha; Phạt tiền 7-15 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 đến < 0,1 ha.

Phạt tiền 15-40 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 đến < 0,5 ha; Phạt tiền 40-60 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 đến < 01 ha; Phạt tiền 60-150 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 ha trở lên.

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 7 của Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP. Một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể kể đến như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm lấn, chiếm. UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm lấn, chiếm đất đai.

Đọc thêm