Chủ tịch tỉnh Cao Bằng: Kinh tế tư nhân phát triển giúp nâng cao đời sống người dân

(PLVN) - Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, giải phóng tối đa mọi nguồn lực để kinh tế tư nhân bứt phá đi lên, tỉnh Cao Bằng xác định đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, bền vững và toàn diện...
Thành phố Cao Bằng nhìn từ trên cao (Ảnh: Lê Hanh)

Giữa trập trùng non cao, sông sâu và những con đèo uốn lượn như dải lụa nơi địa đầu Tổ quốc, tỉnh Cao Bằng đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự bền bỉ và vững chắc, được Cao Bằng xác định là một lực đẩy đang hình thành để rồi lan toả khắp các lĩnh vực phát triển đó là kinh tế tư nhân.

Cao Bằng đang chứng minh rằng, kinh tế tư nhân không chỉ là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia mà còn là đòn bẩy giúp các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương top đầu khác.

Là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, Cao Bằng sớm xác định: khi kinh tế tư nhân phát triển, người dân sẽ có nhiều việc làm, thu nhập được nâng lên, chất lượng sống được cải thiện hơn.

Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung ban hành hàng loạt kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện các nghị quyết lớn của Trung ương như Nghị quyết 10-NQ/TW, Nghị quyết 41-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Những văn bản cụ thể như: Kế hoạch 2240/QĐ-UBND (2017), Kế hoạch 1189/KH-UBND (2023), Kế hoạch 1943/KH-UBND (2024)… đã được triển khai đồng bộ, thể hiện quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính quyền trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân.

Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 2.099 doanh nghiệp, đạt 99,95% so với kế hoạch đề ra. Dự kiến, đến hết năm 2025, số lượng doanh nghiệp sẽ vượt kế hoạch.

Khu vực kinh tế tư nhân có tốc độ tăng trưởng 5% mỗi năm, đóng góp tới 61,84% GRDP toàn tỉnh, một minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của lực lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế địa phương.

Doanh nghiệp tư nhân không chỉ phát triển về số lượng mà còn ngày càng đa dạng về ngành nghề, quy mô và tính chuyên nghiệp. Các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang từng bước mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng

Từng bước tháo gỡ rào cản – thúc đẩy đầu tư tư nhân bứt phá

Theo ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, một trong những vấn đề cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân chính là những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đặc biệt là về đất đai và quy hoạch.

Việc thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư gặp khó khăn do quy định phải đánh giá sự phù hợp của dự án với nhiều loại quy hoạch, từ quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh đến quy hoạch đô thị, xây dựng, sử dụng đất...

Người đứng đầu UBND tỉnh Cao Bằng thẳng thắn nhìn nhận đây là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ. Trong nhiều trường hợp, cùng một địa điểm lại chịu chi phối bởi nhiều bản đồ quy hoạch khác nhau, gây khó khăn trong việc đối chiếu, xác định ranh giới, loại đất... Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ hoặc không thể phê duyệt dự án, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Để khắc phục, tỉnh chủ động rà soát quy hoạch xây dựng các cấp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, kiến nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về phương pháp đánh giá sự phù hợp quy hoạch trong quá trình thẩm định dự án. Đây là bước đi quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư.

Song song đó, tỉnh cũng tích cực cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đầu tư, xây dựng, tiếp cận vốn... Tinh thần hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp thay vì quản lý và kiểm soát đang dần được lan tỏa trong đội ngũ cán bộ công chức các cấp.

Không chỉ thu hút đầu tư mới, Cao Bằng còn xây dựng hệ sinh thái chính sách nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân hiện hữu. Những năm qua, tỉnh đã cụ thể hóa nhiều nghị quyết quan trọng của HĐND như: Nghị quyết 28/2018/NQ-HĐND: Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết 20/2019/NQ-HĐND: Chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn; Nghị quyết 48/2020/NQ-HĐND và 72/2023/NQ-HĐND: Hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp và sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết 93/2021/NQ-HĐND: Chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Cùng với đó là hàng loạt chương trình do UBND tỉnh phê duyệt như: Chương trình phát triển thị trường khoa học công nghệ, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững, hay Đề án hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025.

Tất cả những chính sách này đều hướng đến mục tiêu: giúp doanh nghiệp Cao Bằng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, áp dụng công nghệ mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu.

Kinh tế tư nhân - ngọn gió mới nâng cánh cho miền biên ải

Không dừng lại ở những kết quả ngắn hạn, tỉnh Cao Bằng đang hướng đến một tương lai xa hơn. Đến năm 2030, Cao Bằng đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển nhanh, xanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng hiện đại, công nghiệp chế biến phát triển, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - dịch vụ bứt phá mạnh mẽ.

Trong bức tranh ấy, kinh tế tư nhân sẽ là đầu tàu trong các lĩnh vực trụ cột như: dịch vụ - du lịch, nông lâm nghiệp, kinh tế cửa khẩu, khai khoáng bền vững, năng lượng tái tạo…

Đặc biệt, nhờ vị trí địa lý chiến lược, Cao Bằng còn hướng đến trở thành trung tâm logistics và giao thương quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc và các nước ASEAN, tạo động lực mới cho toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tỉnh cũng đề ra tầm nhìn đến năm 2050, với kỳ vọng xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển khá, là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng và trung tâm dịch vụ vùng. Trong hành trình đó, khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò trung tâm, là nguồn lực then chốt đưa tỉnh thoát nghèo, vươn lên mạnh mẽ.

Ông Hoàng Xuân Ánh cho biết: “Tỉnh xác định tầm nhìn đến năm 2050, Cao Bằng có nền kinh tế kết nối, phát triển năng động, xanh, bền vững, toàn diện, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá, là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng và là động lực phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch - dịch vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”.

Để thực hiện các mục tiêu, định hướng trên, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng xác định, Cao Bằng phải tiếp tục đổi mới tư duy, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tạo bứt phá trong phát triển; tập trung thực hiện các Chương trình trọng tâm, các nội dung đột phá phát triển nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó, tỉnh xác định mục tiêu ưu tiên thu hút đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề như: dịch vụ - du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế cửa khẩu... Đây cũng sẽ là những lĩnh vực ưu tiên, là cơ hội đầu tư đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân.

Cao Bằng hôm nay đã khác xưa. Những doanh nghiệp trẻ ngày nào giờ đã trở thành “cánh chim đầu đàn”, dẫn dắt phát triển kinh tế địa phương. Những chính sách quyết liệt, đồng bộ, cùng tinh thần cải cách mạnh mẽ đang mở ra cánh cửa cơ hội rộng lớn cho kinh tế tư nhân.

Trên mảnh đất từng nhiều khó khăn, những giá trị mới đang hình thành: sự đổi mới, sáng tạo, tự lực và vươn lên bằng chính nội lực hiện có. Và ở nơi địa đầu Tổ quốc, kinh tế tư nhân đang thắp lên ngọn lửa phát triển không chỉ cho Cao Bằng, mà còn cho cả vùng Trung du và miền núi phía Bắc – vùng đất vốn luôn mang trong mình khát vọng vươn mình cùng đất nước.

“Tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng với thể chế được xây dựng ngày càng thống nhất, đồng bộ và các chính sách đúng đắn, trong thời gian tới kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, bứt phá mạnh mẽ. Từ đó, giúp kinh tế của cả nước đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, sớm đưa nước ta thành nền kinh tế thu nhập cao trong hai thập niên tới” – Chủ tịch tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh.

Đọc thêm