Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: “Phấn đấu thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc”

(PLO) - Sau 10 năm chia tách, đến Lai Châu hôm nay, ngoài ấn tượng về một thành phố trẻ xinh đẹp với quy hoạch gọn gàng, hợp lý, đời sống của bà con các dân tộc trên địa bàn cũng được cải thiện đáng kể, đặc biệt ở các khu tái định cư phục vụ xây dựng thủy điện.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử
PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử về những đổi thay này.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển kinh tế xã hội của Lai Châu sau 10 năm tách tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử: Nói đến Lai Châu, người ta nghĩ ngay đến xa xôi, cách trở và những khó khăn rất đặc thù. Đó là đường biên giới dài, với 20 dân tộc, 2/3 số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt, hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao,… Đây còn là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Nhận thức đúng đắn điều đó, ngay từ những ngày đầu chia tách, thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu đã xác định phải nỗ lực hết sức đưa Lai Châu phát triển trên mọi lĩnh vực. 
Nhìn lại 10 năm, chúng tôi tự hào vì Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Có thể điểm một vài con số: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 13%/năm, năm 2013 đạt trên 14%; Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 tăng hơn 5 lần so với năm 2004; Thu ngân sách trên địa bàn các năm đều vượt kế hoạch, Năm 2013 thu ngân sách tăng hơn 20 lần so với năm 2004 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015); Sản xuất lương thực tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. 
Tổng sản lượng cây lương thực có hạt năm 2013 tăng 1,67 lần so với năm 2004 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015); Thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên  43,6% năm 2013. 
Công  tác  giáo  dục -  đào  tạo  có nhiều tiến bộ; quy mô, số lượng, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng lên, đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 428 trường với trên 6.000 phòng học, trên 120.000 học sinh, tăng gần 250 trường, gần 4000 phòng học, 55.000 học sinh so với năm 2003. 
Kết cấu hạ tầng bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được quan tâm đầu tư đồng bộ, từng bước đáp ứng với yêu cầu của công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Số lượng cán bộ y tế được bổ sung, tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên, nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị được đưa vào sử dụng. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 7,6 bác sỹ/vạn dân; 44 xã, phường, thị trấn có bác sỹ, tăng 6 bác sỹ/vạn dân; 43 xã phường, thị trấn có bác sỹ so với năm 2003. 
Tỷ lệ xã được cung cấp điện lưới  đạt 88,3%, tăng 45,9% so với năm 2004; tỷ lệ hộ được sử dụng điện 80,57%, tăng 41% so với năm 2004.Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh một bước; quốc phòng an ninh được đảm bảo, hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đúng tiến độ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; quan hệ đối ngoại được mở rộng và phát triển có chiều sâu. 
- Như ông vừa nói, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Vậy, tỉnh đã tập trung những gì cho mục tiêu nói trên?
- Công tác xóa đói, giảm nghèo được tỉnh quan tâm chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả. Ngay sau khi chia tách, thành lập tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, Nghị quyết, Quyết định về chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời tỉnh cũng đã phân công lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh phụ trách, giúp đỡ các xã nghèo và tập trung mọi nguồn lực xóa đói giảm nghèo. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh: năm 2004 tỷ lệ hộ nghèo là 60,75%, đến hết năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo còn 27,22% (theo tiêu chí mới).
Ổn định đời sống cho người dân tái định cư
- Là tỉnh có nhiều thủy điện lớn, công tác di dân được xem là vấn đề đặc biệt quan trọng. Đến nay, sau nhiều năm, đời sống của người dân ở các vùng này ra sao, thưa ông?
- Tính đến nay, tỉnh đã hoàn thành di chuyển trên 7 ngàn hộ dân tái định cư các thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát. Dự kiến hết 2014 sẽ hoàn thành công tác di dân dự án thủy điện Lai Châu.
Chương trình di dân tái định cư các thủy điện là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh sau khi chia tách. Bằng nhiều giải pháp tích cực như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. 
Đồng thời, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng cho bà con đến nơi ở mới cũng được quan tâm, chuẩn bị hết sức chu đáo trên tinh thần “Đến nơi ở mới từng bước tốt hơn nơi ở cũ” nên được bà con đồng tình, ủng hộ. Ngoài ra, cán bộ của nhiều cơ quan liên quan cũng giúp dân về sức người trong việc di chuyển đến nơi ở mới. 
Bên cạnh đó, nhờ linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, công tác di dân tái định cư các dự án thuỷ điện đảm bảo tiến độ yêu cầu. Hầu hết các hộ dân tái định cư có nhà ở khang trang hơn nơi ở cũ, đời sống vật chất, tinh thần của dân tái định cư ổn định, bản sắc văn hóa các dân tộc được duy trì và phát huy. Đây là sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong vùng dự án. 
Thu hẹp khoảng cách Lai Châu và các tỉnh
Mặc dù đạt nhiều thành tựu song khoảng cách giữa Lai Châu và các tỉnh thành trong cả nước vẫn còn khá xa. Giải pháp sắp tới đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển được tỉnh xác định như thế nào?
- Tỉnh đã tập trung xây Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc Quốc phòng - an ninh, đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2015 và trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020” để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng. 
Đề án này đã được Ban Bí thư đồng ý về chủ trương, theo đó xác định mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2020 là tiếp tục duy trì tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; cải thiện rõ rệt hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế; tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020.
Để hoàn thành được mục tiêu trên, tỉnh xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Phát triển nông – lâm – nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Gắn phát triển kinh tế với chỉnh trang, mở rộng đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư. 
Huy động, lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải đảm bảo kết nối liên vùng, liên tỉnh, liên huyện, liên thôn và liên bản tạo điều kiện cho việc giao lưu kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh; cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phát triển nguồn nhân lực bằng việc đa dạng hóa các chương trình đào tạo gắn đào tạo với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao trình độ dân trí; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức cấp xã; Tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh...
Đặc biệt, tỉnh xác định cần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, phát triển kinh tế ổn định cho hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đảm bảo giảm nghèo một cách bền vững, làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc, giảm sự chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh và với các tỉnh, thành  trong cả nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lai Châu là tỉnh còn rất nhiều khó khăn: núi cao, địa hình dốc, chia cắt; xa các trung tâm kinh tế lớn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém và chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; tiềm lực, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền đạo trái pháp luật, gây phức tạp về an ninh, trật tự ở một số địa bàn.
Tuy nhiên, Lai Châu có những tiềm năng và thế mạnh như sinh thái thuận lợi để phát triển nông lâm nghiệp; có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; bản sắc văn hóa dân tộc phong phú mở ra cho Lai Châu triển vọng phát triển du lịch. Ngoài ra Lai Châu còn có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện; khả năng khai thác khoáng sản....

Đọc thêm