Thế giới mở ra qua… tivi
Khu ở nội trú của học sinh Trường Trung học cơ sở Nậm Ban do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng Hua Bum (BĐBP Lai Châu) xây dựng là cơ ngơi “đàng hoàng hơn” mà cách đây chưa lâu, thầy trò nhà trường nơi đây mơ mãi.
Ấy là vào tháng 8/2008, sau chuyến công tác tại địa bàn, Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã đi đến một quyết định “rốt ráo”: Phải hành động ngay để giúp 81 cháu học sinh dân tộc thoát khỏi cảnh chen chúc trong những túp lều xập xệ, ẩm thấp.
BĐBP tỉnh đưa tới Trường THCS Nậm Ban một máy thủy điện nhỏ, tivi, chảo thu, loa đài và 100 bộ bát đĩa, muôi, thìa... Tối hôm ấy, có một thời khắc đi vào “lịch sử” của “vùng đất ngọt”, ấy là lúc chiếc tivi 21 inch bắt sóng. Cũng từ đây, trong vốn từ vựng tiếng Việt ít ỏi của các cháu học sinh dân tộc Mảng, hai từ “tivi” được hiểu là thứ mà chỉ cần bấm thật khẽ vào cái điều khiển là ngay lập tức hiện lên nào người, ô tô, bão lũ, tuyết rơi, thành phố và đôi khi cả những nước gì xa lơ xa lắc nữa…
“Ký túc xá” dựng nên từ những tấm lòng
Để thầy và trò Nậm Ban yên tâm học tập, phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nói là cơ sở hạ tầng nghe cho có vẻ to tát, nhưng đó chỉ là mấy túp lều xơ xác, nằm chông chênh như “thừa ra” bên bờ suối, ngoài bìa rừng, do các gia đình người Mảng, người Mông tự dựng làm “ký túc xá” cho con, cháu của họ.
Giờ đây, một dãy nhà bán trú 5 gian bằng gỗ được dựng lên bởi bàn tay những người lính. Hơn 80 cháu học sinh có một chỗ ở ổn định, vững chắc thay vì trước đây, mỗi khi mùa mưa về lại nơm nớp nỗi lo sập lều, đổ lán.
Hơn 60 cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh Lai Châu được tăng cường nhiệm vụ thông đường mở tuyến. Sau nửa tháng trời lao động, Nậm Ban có đường ô tô ra trung tâm huyện.
Một con đường đất hoàn thành, đồng thời có một “con đường” mở ra trong ước mơ đổi đời của nhân dân Nậm Ban. Các nhà hảo tâm đã gửi gạo, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường cho học sinh bán trú Trường THCS Nậm Ban. Sự giúp đỡ của BĐBP Lai Châu và sự sẻ chia, quan tâm của những nhà hảo tâm, trong nỗ lực đưa Nậm Ban tiến lên, rút ngắn khoảng cách miền núi và miền xuôi, và đưa đến cho bà con người Mông, người Mảng cuộc sống ấm no hơn nơi miền biên viễn./.