Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Đừng để sự mất mát của 56 gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini trở thành vô nghĩa"

(PLVN) - “Chúng ta đừng để sự mất mát của 56 gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini trở thành vô nghĩa mà phải trở thành điều để chúng ta thay đổi nhận thức cấp ủy, chính quyền các cấp, kể cả TP đến quận huyện, phường xã về PCCC. Cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân. Nếu người dân không ủng hộ chỉ thành công một nửa”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý trong vụ cháy chung cư mini

Chiều 15/9, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 796/CĐ-TTg, ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh yêu cầu thay đổi nhận thức cấp ủy, chính quyền các cấp, từ TP đến quận huyện, phường xã về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân trong công tác này.

Mở đầu Hội nghị, Đại tá Đương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã quán triệt những nội dung quan trọng trong Kế hoạch 234/KH-UBND ngày 15/9/2023 của UBND TP về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn.

Phó Giám đốc Công an TP đặc biệt lưu ý việc tổng kiểm tra phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Đại tá Dương Đức Hải nêu rõ, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo cụ thể; 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng đã chủ trì 3 hội nghị để rà soát, triển khai mô hình liên gia, chữa cháy công cộng, đánh giá toàn diện cơ sở kinh doanh, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy nổ, các sai phạm, quản lý điện an toàn sau công tơ…

Công an TP đã ban hành Kế hoạch số 234 ngày 19/6/2023 về việc thực hiện triển khai chuyên đề nhà cao tầng, nhà ở cho thuê, chung cư mini.

Nhấn mạnh công tác tuyên truyền phải có hiệu quả thực sự, Đại tá Dương Đức Hải cho rằng, kiểm tra có hướng dẫn được người dân các biện pháp an toàn chưa là việc phải quan tâm.

“Chúng ta quyết liệt thì người dân mới ủng hộ. Khi tự người dân hiểu rõ, ủng hộ, tự điều chỉnh, bảo vệ tính mạng, tài sản cho mình thì mới thành công. Như vậy mới giải quyết được nhiều hệ lụy”, ông Dương Đức Hải nói.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng lưu ý, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch, có lộ trình thực hiện kế hoạch và đặc biệt là phải có biện pháp để trước mắt không để xảy ra vụ việc như vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng ở quận Thanh Xuân. Sau khi triển khai kế hoạch này, phải có sự thay đổi toàn diện trên toàn địa bàn.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, với các chung cư mini, khi cấp phép xây dựng là công trình riêng lẻ, sau đó chủ nhà tự ý chuyển đổi không đúng quy định pháp luật. Sở sẽ có các tổ công tác do lãnh đạo Sở làm tổ trưởng xuống cơ sở hướng dẫn, thực hiện cùng các quận huyện việc kiểm tra, xử lý. Ngay trong chiều 15/9, Sở sẽ có văn bản chi tiết hướng dẫn các quận, huyện thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra của TP.

Đại tá Đương Đức Hải cũng cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Công an TP đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt chủ chung cư mini, chắc chắn sẽ xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý.

Theo ông Dương Đức Hải, đây là vụ việc điển hình về việc thiếu trách nhiệm của lực lượng chức năng quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở.

Lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, toàn TP Hà Nội hiện có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung nhiều nhất ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ… Tổng Công ty đang rà soát, đảm bảo an toàn về điện, kiên quyết xử lý vi phạm về đường dây sau công tơ.

Đại tá Dương Đức Hải đề nghị ngành điện phải cử công nhân đi cùng các tổ kiểm tra liên ngành, đi đến đâu đo đạc an toàn đến đó, hướng dẫn người dân các biện pháp an toàn và có giải pháp với những hộ khó khăn.

Phó Giám đốc Công an TP cũng lưu ý một số phần việc mà UBND TP đã chỉ đạo nhưng tiến độ còn chậm và đề nghị các quận, huyện, đơn vị liên quan rà soát tổng thể, có số liệu chính xác về các công trình xây dựng không phép. Từ đó, xử lý nghiêm, kiên quyết không cấp điện cho các công trình này bởi đã có không ít vụ cháy có hậu quả nghiêm trọng với các công trình này; khẩn trương hoàn thành các tổ liên gia PCCC, các điểm chữa cháy công cộng thực chất, hoạt động phải hiệu quả…

Tạo chuyển biến về nhận thức của người dân

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân là vụ việc có hậu quả nặng nề nhất của TP từ trước đến nay.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo TP đã chỉ đạo ngay tại hiện trường các biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời với những chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội; sự vào cuộc của các cấp chính quyền và bà con nhân dân…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, công tác PCCC của TP luôn được quan tâm và đã làm tốt được nhiều việc, như việc quản lý PCCC tại các quán karaoke, Hà Nội đã làm rất quyết liệt, giảm thiểu được nhiều thiệt hại.

Ông Trần Sỹ Thanh nhắc nhở, Tổng Bí thư đã có thư thăm hỏi, chia sẻ mất mát của nhân dân và đề nghị Hà Nội kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm; TP cần thực hiện nghiêm túc việc này để báo cáo Tổng Bí thư, Chính phủ sớm nhất.

“Chúng ta đừng để sự mất mát của 56 gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini trở thành vô nghĩa mà phải trở thành điều để chúng ta thay đổi nhận thức cấp ủy, chính quyền các cấp, kể cả TP đến quận huyện, phường xã về PCCC. Cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân. Nếu người dân không ủng hộ chỉ thành công một nửa”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, tổng kiểm tra lần này là để có giải pháp “ứng chiến” và người dân ủng hộ thì mới giảm được nguy cơ cháy nổ. Để người dân ủng hộ thì lực lượng chức năng phải vận động, hướng dẫn cụ thể.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP chỉ ra một số việc cụ thể cần làm ngay. Trong đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý nguy cơ việc hầm để xe với lượng xe máy đông đúc, chen nhau thì vấn đề cháy nổ rất dễ xảy ra và rất khó cứu chữa. Trong khi chưa có tiêu chí 1m2 để được bao xe máy thì người dân phải đồng thuận, tự sắp xếp, tự quản, lực lượng chức năng có trách nhiệm hướng dẫn.

Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý về nguy cơ cháy nổ xe đạp điện khi tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa có; mất an toàn khi đốt vàng mã...

“Như ở nhà có bao nhiêu ổ điện, thế nào là an toàn thì phải hướng dẫn người dân. Việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải vào cuộc, bám sát người dân vào mới được”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Từ vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, Chủ tịch Hà Nội cũng đặt vấn đề cần có thang dây thoát nạn khi cháy nổ với những khu nhà, căn hộ khó có đường thoát hiểm. Việc này nếu khó khăn về kinh phí thì có thể huy động nhân dân cùng làm.

“Phải làm sao để chuyển biến nhận thức của chúng ta, của người dân. Làm sao không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra. Lãnh đạo các đơn vị, ngay sau hội nghị này, cần triển khai ngay một cách hiệu quả kế hoạch này của TP”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu.

Đọc thêm