Đã hơn một năm kể từ ngày Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đổi biểu trưng, chuyển mô hình hoạt động thành công ty cổ phần, với thương hiệu mới VIMC, thay cho cái tên cũ lắm “tì vết” - Vinalines.
Ở đây, từ người đứng đầu cho tới những anh công nhân vận hành cảng biển, đội thủy thủ trên các con tàu viễn dương VIMC, giờ không một ai muốn nhắc tới Vinalines nữa.
“Với chúng tôi cái tên Vinalines đã vào dĩ vãng. Doanh nghiệp đã sang một trang mới!”, Chủ tịch Sơn nói.
Được biết, Vinalines thời kỳ đen tối nhất đã “ôm” khoản lỗ tới... 25.000 tỷ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khi đó đã bị âm. “Thời kỳ này được coi là đáy, là tận cùng của khó khăn, mà cả tập thể phải tìm cách để gượng dậy”, ông Sơn nói và cho biết, sau 6 năm cùng tập thể doanh nghiệp kiên trì tái cơ cấu, VIMC bây giờ đã có nhiều thay đổi.
Trên thực tế, VIMC bắt đầu ghi nhận được những tín hiệu đầu tiên của sự hồi sinh là vào cuối năm 2017 - thời điểm Tổng công ty trình Chính phủ phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.
Với đà hồi phục này, VIMC đã tổ chức thành công đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 8/2020. Từ đó cho đến nay, đã qua mấy làn sóng dịch bệnh COVID-19, nhưng hoạt động kinh doanh dịch vụ cảng biển và vận tải biển… của doanh nghiệp vẫn ghi nhận được những con số lạc quan.
Cụ thể, năm nay, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất cả năm là 944 tỷ đồng. Nhưng chỉ mới 2 quý đầu năm, “Tổng” này đã đạt lợi nhuận 1.300 tỷ đồng. Nếu hợp nhất 9 tháng của năm 2021, VIMC đạt lợi nhuận chừng 2.300 tỷ.
Có được những con số này là do diễn biến tương đối thuận trên thị trường vận tải biển nên lĩnh vực vận tải biển từ đầu năm 2021 tăng trưởng mạnh, kinh doanh có lời, đồng thời giúp giảm được lỗ của giai đoạn trước.
|
Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh (thứ 3, phải sang) đánh giá: "Tổ chức thành công đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần khẳng định việc tái cơ cấu thành công Tổng công ty Hàng hải Việt Nam" |
Vấn đề từng làm ban lãnh đạo Tổng công ty “đau đầu” một thời đó là sự tốn kém của đội tàu già, cũng đã cơ bản được giải quyết trong giai đoạn 2015 - 2018.
“Khó khăn còn lại với đội tàu hiện nay là những con tàu đóng mới trong nước, giá thành cao, chi phí tài chính lớn đang cần xử lý để nâng cao hiệu quả kinh tế”, Chủ tịch VIMC thông tin. Theo đó, VIMC sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu thế hệ cũ và triển khai đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải biển.
Ngoài ra, sẽ tập trung cho các dự án như: Bến số 4, 5 Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn (Bình Định) và dự án Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 (Đà Nẵng)...
“VIMC sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực cho 2 lĩnh vực sở trường của doanh nghiệp đó là vận tải biển và cảng biển để bồi tụ thương hiệu mới của mình trong mắt đối tác. Chúng tôi tin rằng, tên mới VIMC là hình ảnh về sự hồi sinh của một doanh nghiệp nhà nước”, Chủ tịch Lê Anh Sơn khẳng định với PLVN.