Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy pháp luật

(PLVN) -Trên cơ sở kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.

Bộ Tư pháp mới đây đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020.

Theo đó, cần tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới được thông qua, trong đó chú trọng Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin và các chính sách, pháp luật khác liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, các lĩnh vực pháp luật được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề nổi cộm, liên quan trực tiếp đến từng đối tượng, địa bàn cụ thể.

Tăng cường phối hợp PBGDPL trong nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học pháp luật và giáo dục công dân; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy môn Giáo dục công dân/Pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng video bài giảng online, đặc biệt là trong bối cảnh học sinh nghỉ học do Covid-19. Thực hiện có chất lượng các hoạt động PBGDPL ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; hưởng ứng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện tích cực dự thi Vòng bán kết và Vòng chung kết Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật “Pháp luật học đường”. 

Để Ngày Pháp luật năm 2020 tiếp tục được tổ chức đi vào chiều sâu, lan tỏa hiệu ứng tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật rộng rãi trong Nhân dân, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương có văn bản hướng dẫn và chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trong tháng cao điểm, bắt đầu từ 15/10 đến 15/11/2020, trong đó tập trung vào giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội… 

Ngoài ra, Cuộc thi tìm hiểu trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương với 315.000 lượt thí sinh tham gia vòng thi đầu tiên, 47 địa phương có thí sinh đủ điều kiện tham gia Vòng thi bán kết. Đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học tiếp tục hưởng ứng, triển khai Cuộc thi; động viên, khích lệ các em học sinh, sinh viên tham gia thi vòng bán kết đầy đủ, đạt kết quả; tạo điều kiện, hỗ trợ các em được tham dự Vòng chung kết và Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi tại Hà Nội theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Cuộc thi ở trung ương.

Về công tác hòa giải ở cơ sở, cần phối hợp với Ban Dân vận cấp tỉnh tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở”; triển khai tổ chức có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” (sau đây gọi là Đề án 428). 

Về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương theo Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Các địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ “đánh giá, công nhận, xây dựng xã tiếp cận pháp luật, bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 để cơ quan Tư pháp các cấp chủ trì thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả và yêu cầu đề ra. 

Đọc thêm