Chú trọng hoàn thiện pháp luật gắn với thi hành pháp luật

(PLO) - Cho ý kiến về định hướng nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, để phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới thì công tác nghiên cứu khoa học pháp lý của Bộ cần chú trọng đến cả lĩnh vực xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật lẫn tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì phiên họp.
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì phiên họp.

Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp nhằm cho ý kiến về định hướng nghiên cứu khoa học của Bộ giai đoạn 2016-2021. Cùng dự phiên họp có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Lê Tiến Châu cùng các thành viên Hội đồng.

Đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Đánh giá về công tác nghiên cứu khoa học pháp lý giai đoạn 2010-2015, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, với mục tiêu cung cấp căn cứ lý luận và thực tiễn phục vụ công tác xây dựng thể chế, chính sách để quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp…, công tác nghiên cứu khoa học được Bộ Tư pháp rất coi trọng và triển khai cụ thể ở 164 nhiệm vụ khoa học (4 nhiệm vụ cấp nhà nước, 113 nhiệm vụ cấp bộ và 47 nhiệm vụ cấp cơ sở).

Nội dung nghiên cứu khoa học đã tập trung phục vụ công tác trọng tâm của Bộ và ngành Tư pháp, đóng góp thiết thực cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đa số các thành viên Hội đồng khoa học đều nhất trí cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học pháp lý giai đoạn 2010-2015 của Bộ đã bám sát hơn vào việc triển khai các định hướng chiến lược, chương trình lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần tích cực hơn vào việc xây dựng các luận cứ lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng các dự án luật lớn và một số đề án do Bộ Tư pháp chủ trì cũng như giải đáp được nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc triển khai nhiều nhiệm vụ quản lý của Bộ và Ngành trên các lĩnh vực được giao. 

Bằng việc triển khai nhiều đề tài nhánh cấp nhà nước, các nhiệm vụ khoa học cấp bộ và cấp cơ sở… công tác nghiên cứu khoa học của Bộ đã giải đáp nhiều vấn đề lý luận về thể chế kinh tế thị trưởng và Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.

Chú trọng công tác thi hành pháp luật

Về định hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016-2020, đại diện Viện Khoa học pháp lý cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp cần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và thực hiện các chủ trương, định hướng chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc thực hiện bước chuyển hướng trọng tâm từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật”, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; phục vụ việc phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân…

Cho ý kiến về định hướng trên, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá, hiện nay, giữa pháp luật nội dung và thực tế vẫn tồn tại khoảng cách nhất định; năng lực xử lý trước vấn đề của quốc gia và quốc tế của một số đơn vị còn hạn chế… Ngoài ra, bối cảnh hiện nay còn đòi hỏi phải tiếp tục khẳng định vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, tiếp tục khẳng định vị thế của Bộ, ngành Tư pháp. Vì vậy, ngoài lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thì công tác nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp trong thời gian tới thì cần phải tập trung quan tâm, chú trọng đến cả lĩnh vực thi hành pháp luật.

Đồng ý với ý kiến của một số thành viên trong Hội đồng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học của Bộ trong thời gian tới cần xác định mục tiêu một cách có trọng tâm, trọng điểm căn cứ vào các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013. Các đề tài cần có tính khả thi và tính thực tế hơn, hướng tới việc chứng minh và khẳng định hơn nữa vai trò của pháp luật, của ngành Tư pháp… 

Đọc thêm