Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với các dự thảo chính sách đáp ứng 4 tiêu chí: (i) Là các chính sách được ban hành trong các VBQPPL mà Luật Ban hành VBQPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; (ii) Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; (iii) Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; (iv) Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nội dung truyền thông dự thảo chính sách gồm các vấn đề chủ yếu: Sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau; các nội dung khác cần thông tin rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội (nếu có).
Căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn và đối tượng, địa bàn cụ thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương và địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức truyền thông dự thảo chính sách. Đề án cũng xác định các nhóm hình thức truyền thông dự thảo chính sách.
Đề án quy định rõ trách nhiệm chủ động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách cũng như trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan.
Trong thời gian tới, để tổ chức thực hiện tốt Đề án, ngoài các yêu cầu chung, theo Bộ Tư pháp các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan cần bám sát một số yêu cầu riêng như: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật bên cạnh việc ban hành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần đồng thời có kế hoạch truyền thông về nội dung dự thảo chính sách thuộc các văn bản quy phạm pháp luật đó, tập trung vào các văn bản thuộc phạm vi của Đề án hoặc bổ sung nhiệm vụ về truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật vào kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương bố trí công chức chuyên trách làm nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách; bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, chú trọng huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách, nhất là các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật.
Tăng cường sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với ngành Tuyên giáo, Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2023 của Bộ Tư pháp.
Kế hoạch của Bộ Tư pháp xác định việc tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi Đề án và lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp bằng hình thức phù hợp, trong đó tập trung truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng (sửa đổi). Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện điểm về truyền thông đối với các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bằng các hình thức phù hợp.