Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và dân chủ, thực hành dân chủ XHCN; luận giải về vai trò chủ thể của nhân dân và dân chủ, thực hành dân chủ trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam…
Theo GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là sự nghiệp, khát vọng của nhân dân Việt Nam; khẳng định quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân... Đây không chỉ là sự nghiệp của Đảng và của Nhà nước mà trước hết và trên hết là sự lựa chọn của nhân dân, sự nghiệp của nhân dân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có thành công hay không phần lớn do nhân dân quyết định và thực hiện.
GS.TS Võ Khánh Vinh cũng đề cập tới những vấn đề đặt ra đối với xác định quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện, phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo ông, cần tăng cường đối thoại với nhân dân dưới các hình thức phù hợp; thể chế hóa cơ chế đối thoại với nhân dân; quy định trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của cán bộ các cấp trong đối thoại với nhân dân… Đây là hình thức dân chủ trực tiếp mà thông qua đó nhân dân tham gia thực hiện quyền lực của mình, tham gia giám sát, phản biện việc thực hiện quyền lực được ủy quyền. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội do nhân dân sáng lập để tham gia giải quyết những vấn đề phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội. Thể chế hóa, pháp lý hóa một cách cụ thể, rõ ràng các hình thức dân chủ, các cơ chế pháp lý của việc thực hiện dân chủ, đặc biệt dân chủ ở cơ sở.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng, cần phải làm rõ vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ để làm rõ vai trò của Nhà nước pháp quyền. Đề tài yêu cầu giải quyết hai vấn đề lớn trong phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của nhân dân. Vai trò chủ thể đã được nghiên cứu từ khi xây dựng Hiến pháp năm 2013. Những nghiên cứu đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn nội dung về quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đặc biệt, cần chú trọng phát huy dân chủ trực tiếp trong bầu cử, đảm bảo thực chất, có cơ chế giám sát đối với đại biểu dân cử, trong đó nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.