Chú trọng phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong 10 tháng của năm 2023 tăng nhưng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với thị trường tỷ dân này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, cần các Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.
Cần phát huy hiệu quả của các cặp cửa khẩu. (Ảnh minh họa).
Cần phát huy hiệu quả của các cặp cửa khẩu. (Ảnh minh họa).

Đẩy mạnh khai thác năng lực các cặp cửa khẩu

Tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc do Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất và thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ).

Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, XK sang Trung Quốc đạt 49,5 tỷ USD (chiếm 17% giá trị XK của Việt Nam), tăng 5,13%; NK từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD (chiếm 33,4% giá trị NK của Việt Nam), giảm 11%. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 39,7 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng cho thấy, sau đại dịch, tình hình kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc đã có những khởi sắc với những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động thương mại giữa các tỉnh, thành khu vực phía Bắc với Trung Quốc vẫn còn một số khó khăn.

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết, hiện hàng hóa Việt XK sang Trung Quốc vẫn gặp một số khó khăn về vấn đề an toàn thực phẩm, việc kiểm định, kiểm nghiệm và truy xuất nguồn gốc bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với nông sản và thực phẩm. Bên cạnh đó, hiện tại Lào Cai chỉ có cửa khẩu quốc tế (CKQT) đường bộ là được XK trái cây sang Trung Quốc. Trong khi đó, CKQT đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu đã được đầu tư kết cấu hạ tầng tốt nhưng mỗi ngày chỉ vận chuyển khoảng 1.000 tấn hàng hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, XK nông, thủy sản của Việt Nam vẫn chủ yếu theo đường tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định dẫn đến hiệu quả không cao, không bền vững; Hạ tầng biên giới còn hạn chế, đặc biệt là hạ tầng thương mại biên giới; Việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; Hạn chế về việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động ở các cửa khẩu. Các cửa khẩu chính hay cửa khẩu phụ vẫn hoạt động theo lối truyền thống.

Tiến tới “đoạn tuyệt” với xuất khẩu tiểu ngạch

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ 2 nước đẩy nhanh việc ký Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng cầu đường bộ; Đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh kết nối tuyến đường sắt từ ga đường sắt Lào Cai đến cột đường sắt 1435; Đề nghị Chính phủ sớm triển khai tuyến đường sắt đến cột tiêu chuẩn 1435 từ Hải Phòng, Lào Cai kết nối với tuyến đường sắt Côn Minh (Trung Quốc).

Bà Nguyễn Thị Hường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) thông tin, thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đã thúc đẩy Trung Quốc hoàn thiện các điều kiện nhằm bổ sung thêm các cặp cửa khẩu để được XK trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung, trong đó có cả CKQT đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu. Nhưng, theo bà Hường, hiện trong tất cả các quy hoạch về cửa khẩu, phía Việt Nam mới chỉ có thể bảo đảm được 50%, bởi vẫn còn phải phụ thuộc vào quốc gia láng giềng. Để giải quyết khó khăn, thời gian qua, thông qua những cuộc trao đổi, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có những ký kết tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển thương mại cửa khẩu hai nước…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, trao đổi thương mại giữa 2 nước chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu. Lượng hàng thông quan sang bên kia biên giới chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là của các tỉnh khu vực phía Bắc.

Do đó, các địa phương khu vực biên giới cần tiếp tục bang giao tốt hơn nữa với Trung Quốc thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, các sự kiện về thương mại, nhất là các hội chợ, triển lãm trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và thương mại biên giới; Chú trọng ban hành những cơ chế, chính sách đột phá để có thể thu hút đầu tư phát triển các hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cần xác định Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, một thị trường tiêu thụ lớn, cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho các ngành sản xuất để XK. Vì vậy, các ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và phải kịp thời kiến nghị những giải pháp khắc phục kịp thời.

Trong đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án XK chính ngạch. Cần hạn chế và đi tới “đoạn tuyệt” với hình thức sản xuất, XK qua đường tiểu ngạch. Đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, đồng thời ­ và tăng cường tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm của các địa phương phía Trung Quốc ở vùng biên.

Đọc thêm