Toàn cảnh Hội nghị. |
Làm tốt nhiệm vụ tham mưu về công tác pháp luật quốc tế
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cho biết, so với năm 2022, công việc của Vụ tăng về số lượng, mức độ phức tạp do công việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan đến pháp luật quốc tế gia tăng, xuất phát từ việc thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 và các yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch. Tuy nhiên, phát huy thành quả đã đạt được trong năm trước, bám sát phương hướng nhiệm vụ của ngành Tư pháp năm 2023, tập thể lãnh đạo và công chức của Vụ Pháp luật quốc tế đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện tốt và có hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, từ ngày 30/11/2022 đến ngày 30/11/2023, Vụ đã chủ trì thẩm định 35 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và góp ý 79 VBQPPL trong nước; trong đó có một số dự án, dự thảo VBQPPL có nội dung phức tạp như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao;…
Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An điều hành Hội nghị. |
Bên cạnh đó, Vụ đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Tương trợ tư pháp; xây dựng Báo cáo của Chính phủ về công tác tương trợ tư pháp năm 2023 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV; xây dựng Báo cáo Chính phủ về việc rà soát Luật Tương trợ tư pháp và nghiên cứu khả năng tách Luật Tương trợ tư pháp và lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Vụ cũng tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong triển khai Kế hoạch thực hiện các Hiệp định như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các quốc gia ngoài khối.
Ngoài ra, Vụ đã chủ trì, thẩm định 50 điều ước quốc tế; góp ý 331 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế; chất lượng thẩm định, góp ý được các Bộ, ngành, cơ quan đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký điều ước quốc tế; công tác tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp; công tác pháp luật đầu tư nước ngoài và thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ; công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.
Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ chiến lược tại Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ
Tại Hội nghị, các công chức của Vụ và đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi, thảo luận về nội dung báo cáo kết quả công tác năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2024 và đề xuất một số giải pháp như: xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, đủ về số lượng, thông thạo chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế, thiết chế, điều ước quốc tế;…
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu chỉ đạo. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức; các nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp; nhiều nhiệm vụ phát sinh trong năm nhưng Vụ Pháp luật quốc tế đã đoàn kết, cùng nhau hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; qua đó nâng cao vị thế là đơn vị nòng cốt trong tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, trong xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, điều chỉnh các quan hệ có yếu tố nước ngoài.
Ghi nhận và biểu dương các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Vụ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để sớm hoàn thành Kế hoạch công tác năm 2024, trong đó phải bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp để xây dựng Kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức tham mưu thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác của đơn vị, quan tâm hơn nữa đến những nhiệm vụ mang tính chiến lược như thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ ngày 14/4/2022 về những định hướng lớn về công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đến năm 2030; tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác của đơn vị.
Về công tác cán bộ, Thứ trưởng đề nghị Vụ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị; xây dựng đội ngũ chuyên gia pháp luật quốc tế đối với những nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực này; qua đó làm tốt vai trò của Vụ trong công tác tư pháp quốc tế; từng bước hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm về tư pháp quốc tế của Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Vụ Pháp luật quốc tế. |
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo đơn vị tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Vụ; phát huy sự đoàn kết, trí tuệ tập thể để hoàn thành nhiệm vụ; cải thiện môi trường, không khí làm việc, giữ gìn đoàn kết nội bộ, kỷ cương công vụ. Tập thể đơn vị, các tổ chức đoàn thể, cấp uỷ cũng cần tiếp tục có các buổi sinh hoạt phù hợp để tăng tính dân chủ, thẳng thắng, chia sẻ đánh giá chính xác tình hình tổ chức, hoạt động của đơn vị; từ đó có căn cứ để xây dựng các bước phát triển tiếp theo của đơn vị.
Thứ trưởng hy vọng Vụ Pháp luật quốc tế sẽ tiếp tục tranh thủ các cơ hội, vượt qua thách thức khó khăn để nâng cao hình ảnh, vị trí, vai trò của Vụ trong công tác pháp luật và tư pháp quốc tế.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Vụ.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: