Chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch phù hợp với xu hướng chung của thời đại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ trả lời phỏng vấn với Báo Pháp luật Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ

- Thưa Phó Tổng cục trưởng, ông có nhận định gì về những khó khăn, rủi ro có thể xảy ra trong đợt mở cửa hoàn toàn du lịch vào giữa tháng 3 tới đây?

- Thực tế là khi chưa mở cửa, chúng ta chưa thể khẳng định được tất cả khả năng rủi ro. Trong khi đó, thế giới và đặc biệt là các quốc gia trong khu vực đều mở cửa tất cả các hoạt động du lịch. Nếu chúng ta không mở cửa mới là điều khác thường với xu thế phát triển chung của thời đại. Và chính người dân và doanh nghiệp cũng mong muốn mở cửa. Có mở cửa thì các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương mới có thể xác định được những vấn đề, tính toán về các phương án đề phòng, ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.

Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp với nhau để đảm bảo ngày 15/3 tới hoàn toàn mở cửa du lịch để góp phần vào phục hồi nền kinh tế đất nước. Do vậy, chủ trương mở cửa đón khách du lịch, mở các hoạt động liên quan để tạo việc làm, tăng thu ngân sách là chủ trương rất đúng của Đảng và Nhà nước ta trong thời điểm này.

Trong quá trình chuẩn bị cho công tác mở cửa đó, phải đánh giá được thực trạng của 2 năm vừa qua, chúng ta đã bị tác động như thế nào và đã có những gì để mở cửa lại an toàn. Dịch bệnh bùng phát đã khiến ngành du lịch nước ta bị kiệt quệ, do đó hiện giờ phải làm tốt công tác chuẩn bị: chuẩn bị các cơ sở lưu trú cho tốt, chuẩn bị điểm đến an toàn, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành của mỗi một địa phương đều để đảm bảo cho khách đến một cách an toàn tuyệt đối. Từ đó, mới có thể giới thiệu được các thương hiệu của Việt Nam, phát triển trở lại thị trường du lịch, thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam.

- Hiện Tổng cục Du lịch đã có những đề xuất chính sách gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, gỡ khó cho du khách?

- Thực tế trong hai năm qua, Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch và lao động trong ngành. Sắp tới là các chính sách hỗ trợ các địa phương đảm bảo an toàn quản trị điểm đến, công tác đào tạo lại, đào tạo mới với các lao động trong lĩnh vực du lịch. Bởi trong dịch bệnh, một số lượng lớn lao động trong các doanh nghiệp du lịch đã chuyển đổi sang làm việc khác để đảm bảo mưu cầu cuộc sống của họ, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch. Việc này khiến các doanh nghiệp lo lắng, địa phương lo lắng, ngành du lịch cũng rất lo lắng. Do vậy, đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng yêu cầu ngành du lịch phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương để thực hiện tốt điều này.

Nhiệm vụ ngành du lịch là phải làm tốt công tác quản lý và quản trị, phối hợp chặt chẽ với địa phương, hỗ trợ địa phương trong đảm bảo hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành để đảm bảo an toàn cho du khách, khuyến khích các sản phẩm du lịch mới mẻ, sáng tạo nhưng vẫn phù hợp với điều kiện an toàn mới về dịch bệnh.

- Tâm lý nhiều người dân hiện tại rất e ngại dịch bệnh. Theo ông, chúng ta có thể làm gì để giảm bớt tâm lý e ngại đó, khuyến khích khách đi du lịch nhiều hơn?

- Thực tế cho thấy tâm lý e dè của người dân hiện nay là điều đương nhiên, vì ai cũng muốn bảo vệ sức khoẻ của chính mình và gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nhìn từ du lịch nội địa thời gian qua, du khách đã đi du lịch rất đông vào các dịp lễ, tết. Dù vậy, điều quan trọng hiện nay khi mở cửa du lịch là cần tăng thêm tính an toàn cho khách, đảm bảo khách cập nhật được các thông tin du lịch an toàn. Để làm được điều này, các cơ quan truyền thông, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu điểm đến cho khách trong nước và quốc tế.

Thông qua công tác truyền thông, khách du lịch cần được biết rằng điểm đến Việt Nam là an toàn, du khách đến đây sẽ được đón tiếp, chăm lo chu đáo, cũng như đảm bảo nếu có vấn đề xấu xảy ra thì chính quyền địa phương, cơ sở quản trị điểm đến sẽ phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự an toàn cho khách. Hơn hết, việc mở cửa du lịch nội địa cho thấy du khách trong nước có thể du lịch an toàn, điều này sẽ phần nào tạo ra một hiệu ứng truyền thông tích cực đến du khách nước ngoài đến với Việt Nam..

Đọc thêm