Chữa lành tổn thương từ “không gian ảo”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo thống kê, có khoảng 73% người Việt Nam sử dụng Internet. Trong đó, có rất nhiều người thường xuyên dùng các tài khoản mạng xã hội. Đây là một không gian tiện lợi để mọi người trò chuyện, kết nối, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong đó, không ít cá nhân đã bị tổn thương tâm lý từ cộng đồng “ảo” trên mạng xã hội.
Cần phải tách bản thân ra khỏi “thế giới ảo”, gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống thực để chữa bệnh do mạng xã hội gây ra. (Ảnh minh họa - Nguồn: Trekking-Camping)
Cần phải tách bản thân ra khỏi “thế giới ảo”, gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống thực để chữa bệnh do mạng xã hội gây ra. (Ảnh minh họa - Nguồn: Trekking-Camping)

Những nỗi đau không thể xóa nhòa

Khoảng một năm trước đây, tài khoản mạng xã hội khá nổi tiếng tên N.O.N đã có video gây nhức nhối cộng đồng. Cụ thể, N.O.N đã đăng video đi làm từ thiện một tô hủ tiếu cho cụ bà tên T ở trên phố. Thay vì sử dụng ngôn từ tôn trọng, chân thành với cụ già, N.O.N đã có phát ngôn cợt nhả, mất lịch sự, như: “Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa mùa đông cô đơn”.

Sau khi bị dư luận lên án gay gắt, tài khoản N.O.N đã trực tiếp gặp và xin lỗi cụ bà. Mọi chuyện tưởng như đã chấm dứt, nhưng sự miệt thị, tổn thương mà cụ bà tên T gặp phải vẫn chưa xóa nhòa. Được biết, những người làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng YouTube, TikTok,... luôn tìm đến gia đình bà khai thác những câu chuyện để “câu like, câu view”. Trong khi, các mạnh thường quân, người thật sự hỗ trợ gia đình cụ bà càng ngày càng thưa thớt. Thậm chí, vì sự nổi tiếng trên mạng xã hội của mình, mà cụ T nhận lại những lời trêu ghẹo, câu nói ác ý từ hàng xóm, láng giềng. Gia đình cụ T vốn đã khó khăn, hai vợ chồng cụ bà ngoài 70 tuổi vẫn phải mưu sinh nuôi hai cháu nhỏ. Nay lại càng thêm ảm đạm, phiền muộn vì những thị phi, tai tiếng “vô tình” mắc phải.

Một câu chuyện khác xảy ra vào vài năm trước đây, người mẹ đơn thân tên P.T.D (sinh năm 1992, quê Đắk Lắk) bị kỳ thị ngoại hình trên livestream được nhiều người biết đến. Cụ thể, chị D từ khi sinh ra đã có thân hình nhỏ bé, khuôn mặt không cân đối như bạn bè đồng trang lứa. Bỏ học đi làm sớm, chị gặp được người đàn ông mình yêu mến. Sau khi có con, người đàn ông bỏ hai mẹ con chị.

Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chị D livestream bán hàng. Nhưng thay vì nhận được sự ủng hộ, chị liên tục thấy những bình luận tiêu cực, miệt thị ngoại hình của mình. Chị D đã bật khóc ngay trên livestream.

Bản thân chị D vô cùng buồn bã, rơi vào tự ti, lo lắng. Chị thường xuyên xuất hiện với chiếc khẩu trang khi ra ngoài đường. Cuối cùng, chị D đã phải nhờ can thiệp thẩm mỹ để có được ngoại hình phù hợp với thị hiếu của cộng đồng. Mặc dù đã xinh đẹp hơn, nhưng tổn thương tâm lý vẫn mãi mãi không thể xóa nhòa trong tâm trí chị D.

Vào năm 2020, câu chuyện về em N.T.T khiến nhiều người không khỏi xót thương. Từ một học sinh giỏi quốc gia, hiền lành, được bạn bè, thầy cô yêu mến, em đã phải điều trị tại khoa 6, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội). Được biết, khi em học lớp 11, nhờ thành tích học tập xuất sắc, em T được bố mẹ thưởng cho một chiếc điện thoại thông minh đời mới.

Ban đầu, T chỉ dùng điện thoại vào việc liên lạc với gia đình, bạn bè. Sau này, em bắt đầu xem các video trên YouTube và dần bị cuốn vào thế giới ảo. Em xem bất chấp ngày đêm, rồi tham gia các hội nhóm tiêu cực với ý định tự rạch tay làm đau bản thân. Bố mẹ em T nhận thấy sự thay đổi của con, đã cố gắng hạn chế việc sử dụng điện thoại của em. Nhưng T trở nên bực tức, ném đồ đạc, la hét, quát mắng bố mẹ. Nhận ra bệnh tâm lý của con ngày càng nặng, bố mẹ T phải đưa em đi điều trị.

Điều đó cho thấy một thực tế khắc nghiệt trên “không gian ảo”. Nơi mà mọi hình ảnh, con số, thông tin đều chỉ là chuỗi số hóa. Nhưng ảnh hưởng mà nó đang tác động đến tâm lý, sức khỏe của mỗi người lại rất lớn.

Hiện nay, có hàng triệu người Việt Nam đang sử dụng mạng Internet mỗi giờ, mỗi phút. Trên “không gian ảo” có rất nhiều thông tin cả lành mạnh và tiêu cực. Đây là nơi mỗi người dùng được “ẩn” mình để chia sẻ quan điểm, suy nghĩ. Tuy nhiên, vì vậy, mạng xã hội thành con dao hai lưỡi, nó có thể làm tổn thương các cá nhân bằng “bạo lực mạng”.

Đó có thể là ngôn từ xúc phạm, miệt thị ngoại hình, hoàn cảnh của các cá nhân. Đó cũng có thể là việc những người dùng mạng xã hội bị quấy rối, dọa dẫm, bắt nạt. Thậm chí là kỳ thị sắc tộc, màu da, giới tính,... Một thế giới ảo, nhưng đau khổ, lo lắng, sợ hãi lại là thật. Không ít người dùng mạng xã hội rơi vào khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm và tệ hơn là dẫn đến những hành động như quyên sinh, tự làm đau bản thân.

Thống kê tháng 1/2024 với người dùng 16 - 64 tuổi, thời gian sử dụng internet hằng ngày trên tất cả các thiết bị của Việt Nam trung bình 6 giờ 18 phút/ngày/người, đặc biệt thời gian sử dụng Internet trên điện thoại di động 3 giờ 30 phút/ngày/người, một con số đáng chú ý. Theo khảo sát được công bố của Microsoft vào năm 2020, Việt Nam chính là quốc gia thuộc top 5 nước có chỉ số mức độ văn minh trên mạng thấp nhất thế giới.

Quay về thực tại để chữa lành

Có thể ví không gian trên mạng là nồi lẩu “thập cẩm”, sàn diễn âm nhạc sôi động thâu đêm, suốt sáng không bao giờ ngừng nghỉ. Mạng xã hội làm con người mệt mỏi, kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất. Đặc biệt đối với những người trẻ, thế hệ có lượng lớn người thành thạo sử dụng mạng Internet nói chung và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok,... nói riêng.

Theo thông tin do tờ báo New York Post đăng tải, có tới 95% thanh, thiếu niên và 40% trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 12 sử dụng mạng xã hội. Những người dành hơn ba giờ mỗi ngày lướt Facebook, TikTok phải đối mặt với nguy cơ gấp đôi về sức khỏe tâm thần khi liên tục tiếp xúc với nội dung có thể gây ra các vấn đề về hình ảnh cơ thể, rối loạn ăn uống, so sánh xã hội và lòng tự trọng

Một con số đáng kinh ngạc đưa ra, có đến 46% thanh, thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi cho biết mạng xã hội khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn về cơ thể của chính mình. Khoảng 64% thanh, thiếu niên chia sẻ rằng “thường xuyên” hoặc “đôi khi” tiếp xúc với nội dung dựa trên sự căm ghét, bao gồm các chủ đề như tự vẫn và tự làm hại bản thân trên một số nền tảng mạng xã hội.

Việc sử dụng mạng xã hội nhiều giờ mỗi ngày không có chủ đích, trôi dạt vào những vùng thông tin tiêu cực khiến cho một số người bị mất tương tác trực tiếp, ảnh hưởng đến quan hệ trong gia đình, công việc, học tập… nặng hơn dẫn đến tình trạng “nghiện”, rối loạn cảm xúc, tự hủy hoại cơ thể.

Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ, mạng ảo đã khiến bệnh trầm cảm của thanh, thiếu niên hiện nay trở nên trầm trọng hơn, hay những người bình thường cũng dễ rơi vào trầm cảm.

Để giúp những người chịu tổn thương tâm lý do sử dụng mạng xã hội, việc đầu tiên cần phải dần dần tách bản thân họ ra khỏi “thế giới ảo”, bằng cách quay về với cuộc sống thực tại. Lấy ví dụ với học sinh, sinh viên, có thể tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, vui chơi lành mạnh ở thế giới thực. Còn đối với người lớn, việc quay trở lại chăm lo công việc, gia đình, đi du lịch, tập thể dục ngoài trời, gần gũi thiên nhiên sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.

Ngoài ra, mỗi người nên chú ý đến người thân, bạn bè khi nhận thấy họ có dấu hiệu bị “nghiện” sử dụng Internet, bị quấy rối tình dục trên mạng xã hội, bạo lực mạng,... cần lựa lời để tâm sự, chia sẻ. Gia đình, bạn bè thường là người thân gần nhất và có thể cung cấp sự ủng hộ, lắng nghe và lời khuyên tích cực. Sự hiện diện và quan tâm của gia đình, bạn bè có thể giúp người tổn thương tâm lý do dùng mạng xã hội cởi mở, trò chuyện. Việc chia sẻ tâm tư và cảm xúc với người thân cũng giúp giảm bớt áp lực và tăng cường mối quan hệ xã hội.

Cuối cùng, “chữa bệnh không bằng phòng bệnh”, để tránh gặp tổn thương tâm lý do dùng mạng xã hội. Mỗi người cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử văn minh, kín đáo, tế nhị trên mạng xã hội. Tránh việc để lộ thông tin, hay quá tin tưởng những “người bạn lạ” mới quen trên mạng xã hội. Đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chia sẻ công khai những thông tin, video, suy nghĩ, cảm nhận trên các nền tảng như YouTube, TikTok, Facebook,... Ngoài ra, hiện nay, có rất nhiều công cụ quay chụp, vì vậy, hình ảnh, video, clip sẽ nhanh chóng được tung lên mạng xã hội. Cho nên, văn hóa ứng xử nơi công cộng của mỗi cá nhân cần được chú trọng, cẩn thận để tránh các “tai nạn” không đáng có.

Đặc biệt, không kể lứa tuổi, giới tính, việc sử dụng mạng Internet trong thời gian dài sẽ làm suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất. Vì vậy, mỗi người cần đưa mạng xã hội vào quyền kiểm soát và đặt ra giới hạn, thời gian sử dụng, phạm vi thông tin được tiếp cận. Mặc dù mạng xã hội mở ra một luồng thông tin “xuyên biên giới” nhưng việc khoanh vùng được những nội dung an toàn và phù hợp với bản thân là vô cùng quan trọng.