Theo quy định hiện hành của pháp luật về hộ tịch, khi đăng ký hộ tịch người dân đều được cấp một loại bản chính giấy tờ hộ tịch tương ứng với sự kiện hộ tịch đã được đăng ký.
Với tinh thần đơn giản hóa giấy tờ công dân, dự thảo Luật Hộ tịch đã quy định theo hướng người dân khi đăng ký hộ tịch thì được quyền chủ động yêu cầu cấp trích lục hộ tịch (nếu có nhu cầu) thay vì được cấp bản chính giấy tờ như hiện nay.
Quy định này ngoài việc loại bỏ áp lực cho người dân trong việc lưu giữ, bảo quản bản chính giấy tờ hộ tịch còn cắt giảm được kinh phí in ấn, phát hành bản chính giấy tờ hàng năm.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác đăng ký và quản lý hộ tịch từ nhiều năm nay cho thấy, đối với một số sự kiện hộ tịch quan trọng là khai sinh, kết hôn, thì việc lưu giữ và sử dụng bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn là nhu cầu thực tế của người dân.
Đặc biệt, với ý nghĩa là loại giấy tờ đầu tiên được cấp cho một người từ khi mới sinh ra, Giấy khai sinh có vai trò quan trọng trong việc giúp xác định một cách chính xác các thông tin cơ bản của cá nhân (như họ và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; dân tộc; quốc tịch; họ và tên cha, mẹ...) và làm cơ sở cho việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân về sau như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ…
Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, Giấy khai sinh với đầy đủ các thông tin về nhân thân như trên còn có ý nghĩa như một giấy tờ tùy thân, đồng thời là vật mang Số định danh cá nhân giúp trẻ em thực hiện các quyền của mình trong đời sống như đi lại, khám chữa bệnh, nhập học...; khi đủ 14 tuổi, được cấp Thẻ căn cước công dân thì số đó sẽ là Số căn cước công dân của người đó. Như vậy vừa bảo đảm tiện dụng, tránh xáo trộn, vừa bảo đảm khả thi theo lộ trình đơn giản hóa giấy tờ công dân theo Đề án 896.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đề nghị duy trì quy định về cấp Giấy khai sinh cho trẻ em và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho người dân.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ là cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân và để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại.
Liên quan đến việc đơn giản hóa các giấy tờ về hộ tịch khác, Ủy ban pháp luật cho rằng, do ảnh hưởng của cơ chế quản lý đất nước trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau, trong đó có thời kỳ trải qua chiến tranh, thời kỳ quản lý tập trung, bao cấp, nên hiện nay công dân có rất nhiều loại giấy tờ tùy thân.
Các loại giấy tờ này cần được rà soát lại, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp để từng bước loại bỏ. Đồng thời, để việc đơn giản hóa các giấy tờ và thủ tục hành chính cho công dân đạt kết quả còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hoàn thành của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đặt ra trong Đề án số 896.
Theo UBPL, điều quan trọng là Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện đúng hoặc sớm hơn lộ trình hoàn thành Đề án này, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương thì mới có thể loại bỏ được giấy tờ, thủ tục không cần thiết trong công tác quản lý./.