Muốn "làm" cha mẹ ruột trên giấy khai sinh của con nuôi, khó trăm bề

(PLO) - Mặc dù Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch đã dành một điều quy định về bổ sung, sửa đổi Giấy khai sinh của con nuôi, tuy nhiên, thực tế thì việc làm này không dễ dàng…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Cha dượng làm cha nuôi
Ở tuổi ngoài 30, sau rất nhiều mối tình dang dở, chị Lương Thị Nguyệt T. mới quyết định “làm mẹ đơn thân”. Kết quả của một mối tình không công khai là chị đã sinh được một bé trai kháu khỉnh. Vì không muốn người tình “bí mật” phải ràng buộc nghĩa vụ với con, chị T. đi làm khai sinh cho con mà chỉ khai phần khai về người mẹ (phần khai về tên cha bỏ trống).
Cuộc sống cứ như vậy trôi qua, đến khi bé Lương Thiện K. lên 3 tuổi thì chị T. cũng có người đàn ông mới. Anh này vốn cũng đã qua “một lần đò”, thương cảm hoàn cảnh của chị T. và cũng có tình cảm với bé K. nên đã dọn về chung sống với mẹ con chị T.
Tình cờ, một lần xem giấy khai sinh của bé K., người cha dượng mới biết phần khai về cha trong giấy khai sinh của bé K. còn bỏ trống. Điều này, lâu nay anh không tiện hỏi và chị T. cũng không nói vì đó là bí mật cá nhân cần được tôn trọng. Nhưng vì tình cảm với bé K, lại không muốn khi K. đi học giấy khai sinh lại không có cha nên người cha dượng lên UBND xã làm thủ tục nhận bé K. làm con nuôi và xin bổ sung tên mình vào giấy khai sinh của K.
Tuy nhiên, phần nhận con nuôi được xã giải quyết, còn việc bổ sung tên cha dượng vào giấy khai sinh của con nuôi thì xã hẹn… chờ xin ý kiến của huyện do trường hợp này pháp luật chưa điều chỉnh.
Thay đổi một bên sẽ không được giải quyết?
Thực tế có không ít những trường hợp như của bé K, rất khó khăn khi xin bổ sung tên cha/mẹ nuôi khi giấy khai sinh đã tồn tại tên cha/mẹ ruột.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì: “Trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi thì UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi, đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Việc đăng ký khai sinh lại phải được ghi rõ trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh trước đây. Bản chính và bản sao Giấy khai sinh của con nuôi được cấp theo nội dung mới. Giấy khai sinh cũ phải thu hồi; việc thay đổi phần kê khai về cha, mẹ phải được sự đồng ý của con nuôi, nếu con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên”.
Tuy nhiên, theo Thông tư số 01 hướng dẫn thi hành Nghị định 158/CP thì sẽ không giải quyết yêu cầu thay đổi phần khai về cha, mẹ đẻ sang khai về cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 158/CP (được trích dẫn nói trên) trong trường hợp thay đổi phần khai về một bên cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang khai về cha nuôi hoặc mẹ nuôi mà giữ nguyên phần khai về mẹ đẻ hoặc cha đẻ còn lại.
Như vậy, với quy định nói trên, nhiều địa phương hiểu rằng pháp luật chỉ cho phép bổ sung, sửa đổi Giấy khai sinh của con nuôi khi con nuôi có đầy đủ cả cha mẹ nuôi lẫn cha mẹ ruột. Trường hợp con nuôi chỉ có cha hoặc mẹ ruột thì không thể bổ sung vào bản chính giấy khai sinh mẹ hoặc cha nuôi. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho đứa trẻ khi tờ giấy khai sinh bị “khuyết thiếu” một phần.
Áp vào các quy định nói trên thì những trường hợp cha/mẹ nuôi muốn thay tên cha/mẹ đẻ trong giấy khai sinh (đã được cha/mẹ đẻ đồng ý bằng văn bản, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) cũng sẽ không được giải quyết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ủng hộ quy định này nhằm bảo đảm cho đứa trẻ được biết về nguồn gốc (cha mẹ ruột) của mình. 
Do pháp luật chưa dự liệu những tình huống phát sinh như nói trên nên thực tế nhiều địa phương rất lúng túng khi giải quyết yêu cầu của người dân trong việc bổ sung, sửa đổi Giấy khai sinh của con nuôi.
Không giải quyết yêu cầu thay đổi phần khai về cha, mẹ đẻ sang khai về cha, mẹ nuôi trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP trong những trường hợp sau:
- Thay đổi phần khai về một bên cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang khai về cha nuôi hoặc mẹ nuôi mà giữ nguyên phần khai về mẹ đẻ hoặc cha đẻ còn lại;
- Thay đổi phần khai về cha, mẹ đẻ sang khai về cha, mẹ nuôi trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên cha, mẹ đẻ đã chết.
(Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định 158/CP về  quản lý và đăng ký hộ tịch)

Đọc thêm