Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội

(PLVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết như vậy khi trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của TANDTC trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 52 của UBTVQH sáng nay (12/1).
Một phiên xử của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Ảnh minh họa: tapchitoaan
Một phiên xử của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Ảnh minh họa: tapchitoaan

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Đã khắc phục căn bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Số lượng vụ án phải thụ lý, giải quyết tuy tăng cao, song tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với đầu nhiệm kỳ.

TAND các cấp đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong giai đoạn thi hành án hành chính, đã ra quyết định buộc thi hành án đối với 376 trường hợp, qua đó bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử án hình sự và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Việc Tòa án bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho các bên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định. Đã căn bản khắc phục được việc để án quá thời hạn, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn.

Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của TANDTC trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 52 của UBTVQH.
 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của TANDTC trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 52 của UBTVQH.

Tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được VKSND chấp nhận đạt cao (9.141 hồ sơ vụ án), trong đó, nhiều trường hợp trả hồ sơ do phát hiện giai đoạn điều tra, truy tố bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Qua xét xử, TAND các cấp đã ban hành nhiều kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội và được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.

Tỷ lệ đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết tăng qua các năm và tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ (tăng 26,2%). Các kháng nghị của Chánh án có thẩm quyền đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận.

Đã khắc phục căn bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm do phát hiện việc giải quyết có sai sót. Công tác tiếp công dân được chú trọng, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, góp phần giảm các khiếu nại bức xúc, kéo dài của công dân.

Trong nhiệm kỳ, các Tòa án đã ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn theo quy định của pháp luật đạt tỷ lệ gần 100%, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội; ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 407.500 phạm nhân do cải tạo tốt.

Đồng thời, TANDTC đã chỉ đạo, hướng dẫn các TAND thực hiện nghiêm các quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá. Công tác xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện đúng quy định của pháp luật; TAND các cấp đã xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với 33.807 trường hợp với tổng số tiền trên 339 tỷ đồng.

Các Tòa án đã xét xử 1.145 vụ án tham nhũng

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các Tòa án đã xét xử 1.145 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng; áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước nhưng đồng thời cũng thể hiện chính sách khoan hồng với những người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Trong quá trình giải quyết vụ án, các Tòa án đã chú trọng áp dụng các biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Đọc thêm