Chua xót trụ sở công thành nơi bán bia hơi, còn sử dụng tốt cũng đập bỏ

(PLO) - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chua xót phản ánh thực trạng không ít địa phương “gom” các trụ sở vào một nơi trong khi những trụ sở ngành mới xây xong nhưng do có phong trào xây trụ sở hành chính công thì lại đập hết đi. Bên cạnh đó, nhiều nơi  lấy trụ sở cho thuê bán bia, nơi khác thì cho thuê làm trung tâm tiệc cưới...
Việc quản lý xây dựng trụ sở công... hơi tự do gây lãng phí.

Thông tin được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) diễn ra hôm qua (20/4).

Bán bia, tổ chức đám cưới… ở trụ sở cơ quan nhà nước

Nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị không quy định việc cho thuê, liên doanh, liên kết đối với tài sản công ở đơn vị sự nghiệp công lập để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, việc cho phép khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng tại các đơn vị sự nghiệp sẽ dẫn tới việc tiếp tục đầu tư lãng phí, dư thừa công năng.

Tiếp thu ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và các đơn vị sự nghiệp, cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã bổ sung các quy định tại Điều 53 của Dự thảo Luật về bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao… Theo đó, điều luật này sẽ quy định: không đầu tư, xây dựng mới tài sản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết

Tán thành với sửa đổi, bổ sung của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng không khỏi băn khoăn về hướng xử lý đối với không ít trường hợp xảy ra trong thực tiễn. “Tôi lấy ví dụ như Trung tâm Hội nghị quốc gia hay trung tâm nào đó không phải ở Hà Nội, TP HCM, do nhiệm vụ chính trị tại một thời điểm nào đó chúng ta phải xây dựng, sau đó có thể phải rất lâu mới cần dùng hoặc sử dụng không hết công suất thì một phần có thể đưa vào kinh doanh. Đây là những trường hợp đặc thù” - ông Dũng nói và đề nghị trong trường hợp đặc biệt cần phải có phương án xử lý phù hợp.

Đồng tình với việc sử dụng tài sản công, nhiều nơi không phù hợp, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần có cái nhìn tổng quát hơn, không nhất thiết phải đem đi cho thuê những tòa nhà hành chính không sử dụng hết công năng. “Thực tế, nhiều nơi  lấy trụ sở cho thuê bán bia, nơi khác thì cho thuê làm trung tâm tiệc cưới, gây nên tình trạng lộn xộn, tạo sự cạnh tranh không phù hợp, không bình đẳng trên thị trường. Tôi nhìn cơ quan nhà nước, ngay Hà Nội có trụ sở đem ra tổ chức đám cưới thấy ngại lắm. Chính vì vậy cần suy nghĩ lại việc này, vì dân nói ghê lắm” - ông Giàu nêu thực tế.

Còn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại phản ánh một thực trạng lãng phí đang diễn ra khá phổ biến khi không ít địa phương “gom” các trụ sở vào một nơi trong khi những trụ sở ngành mới xây xong, vẫn sử dụng rất tốt, nhưng do có phong trào xây trụ sở hành chính công thì lại đập hết đi. Gần đây quản lý việc này hơi tự do”. Bởi vậy, ông Phúc đề nghị khi tài sản chưa hết khấu hao, chưa được cấp trên đồng ý thì không được tùy tiện đập đi xây mới như vậy.

Nghiêm cấm trục lợi từ việc tặng/cho tài sản

Liên quan đến vấn đề bán tài sản công không qua hình thức đấu giá, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết dự thảo quy định còn thiếu tính định lượng, điều đó sẽ dẫn đến khả năng “lách luật”, ảnh hưởng đến công tác chống tiêu cực. Dẫn chứng về điều này, bà Hải đã nêu những thông tin tại Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó khẳng định việc sử dụng, thanh lý tài sản gây thất thoát nhất là ô tô công, gây bức xúc trong nhân dân về việc bán đấu giá. 

Bà Hải cũng dẫn thông tin từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền công tác phòng chống lãng phí, sau khi áp dụng các quy định mới về chế độ trang bị sử dụng ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc ô tô. “Các cơ quan đánh giá giá trị từng chiếc ô tô là nhỏ, lúc đó, họ bán sẽ không qua đấu giá thì sẽ không minh bạch, công khai” - bà Hải nói và bày tỏ lo lắng về vấn đề trên khi các cơ quan báo chí phản ánh tại một số tỉnh bán xe biển xanh không qua đấu giá và giá khởi điểm thấp. Từ đó, Trưởng ban Dân nguyện đã đề nghị cần cân nhắc kỹ vấn đề này trong bán tài sản công.

Đối với Điều 10 của Dự thảo Luật quy định về các hành vi bị cấm, ông Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật. Vì thực tế hiện nay, một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng; hoặc tài sản được cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, định mức nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.

Cho ý kiến về vấn đề trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, quan trọng là việc biếu tặng như thế nào. “Nếu phục vụ cho mục đích cá nhân thì không được, còn nếu được biếu tặng xong mang tài sản đi thanh lý để làm việc từ thiện thì tốt chứ sao?” - ông Phúc nêu quan điểm. Cho rằng cử tri khá băn khoăn trước động cơ không minh bạch trong việc cho/tặng xe, tài sản của doanh nghiệp cho cơ quan nhà nước (ví dụ các doanh nghiệp tặng xe cho lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành nhưng sau đó vì mối quan hệ này để có được hợp đồng kinh tế),Trưởng ban Dân nguyện đề nghị cần có quy định cụ thể nghiêm cấm trục lợi từ việc tặng/cho tài sản.

Đọc thêm