Chuẩn bị có một 'đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt'

(PLO) - Đây là thông tin được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng – Bộ Kế Hoạch và Đầu tư tiết lộ trong phiên họp Quốc hội sáng 26/5. 
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng

Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là một khái niệm được quy định trong hệ thống quy hoạch tại Điều 5 Dự thảo Luật Quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là một hình thức mới, hiện nay đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu và sẽ trình cho Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ tư tổ chức cuối năm nay. 

“Vấn đề này chúng tôi cũng đang nghiên cứu” – Bộ trưởng nói. Cũng bởi khái niệm “chưa định hình”, mang tính “đến từ tương lai” nên Bộ trưởng đề nghị: “Khi chúng ta chưa rõ, định hình được các nội dung liên quan đến đơn vị hành chính đặc biệt này, trong Điều 5 của Dự thảo Luật Quy hoạch, chúng tôi xin được kiến nghị để như trong dự thảo... Cụ thể như thế nào sau khi có những quy định của luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này thì chúng tôi sẽ kiến nghị để trình với Quốc hội làm rõ, bổ sung cụ thể sau”.

Cũng liên quan đến Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Sau 6 năm chưa thông qua được luật Quy hoạch, ông tự tin Dự luật lần này được thông qua sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý của nhà nước . 

Bộ trưởng nhận định Dự thảo Luật Quy hoạch sẽ cải cách về thể chế, tạo ra được sự đồng bộ thống nhất trong hệ thống của pháp luật chúng ta hiện nay về quy hoạch. Theo bộ trưởng Bộ kế hoạch & Đầu tư, hiện nay chúng ta có khoảng 95 hệ thống luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch, với khoảng 19.250 quy hoạch đang được lập. Lần đầu tiên chúng ta sẽ mạnh dạn cải cách để có được một hệ thống thống nhất về quy hoạch.

Trước đây phương thức quản lý nhà nước thiên về quản lý, mục tiêu quản lý. Còn Luật này vừa đảm bảo cho công tác quản lý, vừa đảm bảo cho kiến tạo và phát triển, phục vụ cho phát triển. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây thực sự là một công cụ quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng khai thác các nguồn lực của quốc gia.

Bộ trưởng cho biết trước đây các quy hoạch cũ chỉ sử dụng chủ yếu một nguồn lực từ nhà nước thì bây giờ là huy động các nguồn lực của cả xã hội, cả trong nước và nước ngoài cùng tham gia đầu tư phát triển.  

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, Luật Quy hoạch sẽ tăng cường tính liên kết phát triển vùng, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và từng ngành; khắc phục được tình trạng chia cắt cục bộ giữa các ngành, các địa phương và giữa các vùng miền trong cả nước, tránh được các xung đột về lợi ích và mâu thuẫn chồng chéo trong phát triển; Thiết lập cơ chế cung cấp các thông tin về quy hoạch đảm bảo công khai minh bạch trong các tiếp cận thông tin và cũng là để chúng ta giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch. 

Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng Luật Quy hoạch sẽ khắc phục được tình trạng xin - cho tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi chúng ta bãi bỏ được một số quy hoạch ngành, toàn bộ các quy hoạch về sản phẩm đảm bảo quyền tự do của người dân và doanh nghiệp tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định của Hiến pháp năm 2013. 

Giải đáp thắc mắc của ĐBQH về việc bỏ quy hoạch sản phẩm thì quản lý bằng cách nào?, Bộ trưởng cho biết: “Vấn đề này hoàn toàn là do thị trường quyết định, nhà nước phải đảm bảo được một nhiệm vụ là cung cấp được các thông tin dự báo phân tích, đánh giá, định hướng cho người dân và doanh nghiệp, còn quyết định đầu tư là của nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch của chúng ta đã định ra, ta không thể định lượng ra được sản phẩm này bao nhiêu, sản phẩm kia bao nhiêu mà hoàn toàn do thị trường quyết định. Đây là một bước hết sức mới và hết sức cách mạng trong tư tưởng của Luật quy hoạch lần này.”

Dẫn nội dung một bài báo viết "quy hoạch ngành sản phẩm được lập ra nhân danh quản lý nhà nước nhưng thực tế là mảnh đất để tạo ra cơ chế xin - cho, tham nhũng và hạn chế quyền kinh doanh của dân chúng", ông cho rằng đây chính là thực trạng.  

Ông khẳng định việc ban hành luật lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì chúng ta chuẩn bị cho thời kỳ quy hoạch sắp tới của giai đoạn 2021 - 2030, đây là thời kỳ có thể tiến hành bắt tay ngay vào quy hoạch, nếu để chậm ban hành sẽ lỡ một cơ hội cho quá trình giai đoạn phát triển 10 năm tới đây. Việc ban hành luật cũng phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như để phục vụ cho hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

Đọc thêm