XKLĐ được coi là “cứu cánh” cho công tác xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương, tạo thêm việc làm cho người lao động (NLĐ) và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, công tác XKLĐ vẫn đang có nhiều vấn đề vướng mắc mang tính “thâm căn”, chưa thể giải quyết dù đã có nhiều nỗ lực và giải pháp quyết liệt.
“Con gà đẻ trứng vàng” còn ẩn mình
Hiệu quả kinh tế - xã hội của công tác XKLĐ đã được minh chứng rất rõ ràng qua những làng quê từng ngày “thay da đổi thịt”, đời sống người dân khấm khá hơn. Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), nhiều lao động là hộ nghèo sau khi đi XKLĐ đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu. Nhiều người còn trở thành doanh nhân, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội. Thống kê hàng năm cho thấy, hơn nửa triệu NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng trên dưới 2 tỷ USD.
Ngoài ra, hoạt động XKLĐ còn là “cánh cửa” để công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến của rất nhiều ngành nghề như xây dựng, cơ khí, điện tử, dệt may, chế biến thủy sản, dịch vụ, vận tải biển, đánh bắt chế biến hải sản; chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp, tin học... được chuyển giao về, cũng như mở rộng thị trường cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Đặc biệt, XKLĐ còn là nơi đào tạo nghề, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng “chất xám” và tác phong làm việc để lao động Việt Nam dần tiệm cận và hội nhập thực sự vào thị trường lao động khu vực và quốc tế.
Chính vì thế, Việt Nam rất chú trọng củng cố các thị trường XKLĐ truyền thống như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Ả Rập Xê–út… và phát triển, mở rộng sang các thị trường XKLĐ tiềm năng như Nhật Bản, các nước châu Phi và Trung Đông, châu Âu (như CHLB Đức), Thái Lan, Lào, Australia… Số lao động được đưa đi XKLĐ tăng hàng năm cho thấy khả năng đáp ứng ngày càng cao của lao động Việt Nam đối với yêu cầu của nhiều thị trường lao động đa dạng, khó tính và tính cạnh tranh cao, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương và các chương trình XKLĐ đang được triển khai.
Những “mảng tối” cần được thắp sáng
XKLĐ giúp nhiều người đổi đời nên cũng sinh ra nhiều “cò” XKLĐ hoành hành do lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân nhưng cũng là “nhờ” vào những “lỗ hổng” trong công tác quản lý XKLĐ. “Cò” dùng những lời hứa “lương cao, việc nhẹ nhàng, thủ tục dễ” để “móc túi” NLĐ những khoản lo lót đến hàng chục nghìn USD. Đáng nói là không chỉ những người dân thiếu hiểu biết về XKLĐ bị lừa mà còn có cả cán bộ địa phương cũng trở thành nạn nhân của những đường dây lừa đảo XKLĐ.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, còn thờ ơ với công tác XKLĐ nên không tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với hoạt động XKLĐ bằng những con đường chính thức, khiến họ phải tìm những con đường “phi chính thức” và dính bẫy của “cò”.
Dù đã có hơn 500.000 lao động được đi XKLĐ song còn quá nhỏ so với số lao động đang thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định. Lao động Việt Nam đi XKLĐ đã được tuyển chọn nhưng chất lượng còn “non”, một số chưa có tác phong và ý thức lao động công nghiệp.
Nhất là một bộ phận NLĐ khi hết hạn hợp đồng vẫn ở lại cư trú, làm việc bất hợp phát trên nước bạn; một số thực tập sinh bỏ trốn khỏi nơi làm việc, vi phạm pháp luật nước sở tại. Dù Chính phủ đã ban hành quy định phạt tiền và “khoản đặt cọc chống trốn ở lại” nhưng chưa thể là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ uy tín, hình ảnh NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Giúp NLĐ khỏi nỗi lo thất nghiệp khi về nước
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, năm 2017 được nhận định sẽ có nhiều khởi sắc trong công tác XKLĐ khi một số thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, các nước Trung Đông... sẽ mở rộng và tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động tay nghề cao sang làm việc. Vì vậy, “đưa công tác XKLĐ là một nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền các cấp cùng các ban, ngành có liên quan đến công tác XKLĐ tại địa phương” là một trong những giải pháp được các sở LĐTB&XH nhấn mạnh để đạt các mục tiêu phát triển hoạt động XKLĐ trong thời gian tới.
Theo đại diện các sở LĐTB&XH, các cơ quan, tổ chức, DN có chức năng XKLĐ phải tuyên truyền, tạo điều kiện để NLĐ được trang bị kiến thức và kỹ năng (như biết tiếng nước ngoài, có tay nghề, có ý thức chấp hành pháp luật...) trước khi đi XKLĐ. Đồng thời, phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục NLĐ ở nước sở tại, tránh những vấn đề nảy sinh do thiếu ý thức chấp hành pháp luật và quy định.
Nguyên nhân chính khiến nhiều NLĐ trốn ở lại, cư trú bất hợp pháp tại nước nhập khẩu lao động sau khi hết hạn hợp đồng được xác định là “lo thất nghiệp khi hồi hương”. Do đó, các chuyên gia lao động kiến nghị các cơ quan chức năng chú trọng đến chính sách “hậu” XKLĐ để NLĐ yên tâm về nước sau khi hết hợp đồng như có chính sách hỗ trợ và khuyến khích để NLĐ hết hạn hợp đồng lao động có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia các chương trình XKLĐ… Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành LĐTB&XH với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc phân bổ vốn, đối tượng cho vay… đối với những người đi XKLĐ.
Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về XKLĐ, kiểm soát chặt các công ty có chức năng XKLĐ để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm quy định về XKLĐ ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và uy tín của lao động Việt Nam tại các thị trường lao động ngoài nước.
* Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung:
“Tiềm năng XKLĐ và nhu cầu người dân làm việc ở nước ngoài rất lớn, có đến 277 DN được cấp phép nhưng chỉ đưa được hơn 120.000 người ra nước ngoài làm việc thì hiệu quả vẫn chưa cao. Nên khẩn trương sửa Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và một số văn bản dưới luật. Cần tìm mọi giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Xu hướng chung phải phối hợp chặt hệ thống đào tạo nghề; bằng mọi giá phải giữ được các thị trường truyền thống, đồng thời mở ra các thị trường mới, mở rộng đối tượng XKLĐ; phối hợp với Văn phòng quốc gia về giảm nghèo đưa lao động ở các huyện nghèo, bãi ngang ven biển... đi XKLĐ cũng như khích lệ các DN XKLĐ và yêu cầu các DN bên cạnh việc tuân thủ các kỷ cương, nguyên tắc, cũng phải chấp hành đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người đi XKLĐ”.
* Ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết:
“Với những yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác, chất lượng đã và đang là yếu tố ngày càng quan trọng trong thị trường XKLĐ ngoài nước. NLĐ có ý định ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe cần phải chuẩn bị thêm những kỹ năng cần thiết như: ngoại ngữ, chuyên môn nghề nghiệp… Các DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ cũng cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính. Cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 đang rất lớn, đặc biệt là những người sở hữu chuyên môn cao. Nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước là rất lớn, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng”.
* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh:
“Để công tác XKLĐ đạt kết quả rất cần sự vào cuộc quyết liệt mà đầu mối là Sở LĐ TB&XH. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, lợi ích của XKLĐ, đồng thời giúp họ nắm rõ thông tin về thị trường lao động, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp đầu mối XKLĐ cần làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động cũng như việc giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có như vậy mới mong công tác XKLĐ đạt kết quả trong thời gian tới”.