Theo AFP, số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 8 vừa qua đã giảm 5,5% so với cùng kỳ của năm 2014, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8%. Dù số liệu xuất khẩu của Trung Quốc vẫn khả quan hơn so với các dự báo được đưa ra trước đó nhưng nó vẫn dấy lên những quan ngại từ các nhà đầu tư về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trước đó ngày 7/9, Bắc Kinh cũng đã điều chỉnh hạ mức tăng trưởng của nước này trong năm 2014 xuống còn 7,3%, là mức tăng trưởng thấp nhất của nước này trong vòng 1/4 thế kỷ trở lại đây.
Cổ phiếu tại Thượng Hải ngày 8/9 đã kết thúc phiên giao dịch với việc tăng 2,93%, là kết quả của một ngày giao dịch đầy biến động khi tăng đến 2,25% vào buổi sáng và tăng 3,06% vào buổi chiều. Chứng khoán tại Hong Kong cũng đã hồi phục sau khi mất điểm nghiêm trọng vào buổi sáng. Các thị trường khác như Sydney, Singapore và Wellington đều ghi nhận sự tăng điểm của chứng khoán. Tuy nhiên, sàn giao dịch Nikkei của Nhật Bản đóng cửa với việc mất 2,43%, cuốn phăng tất cả lợi nhuận mà các nhà đầu tư kiếm được từ đầu năm đến nay.
Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu ngày 8/9 cho rằng Trung Quốc vẫn chưa thực hiện đầy đủ các cam kết của nước này trong việc đảm bảo thị trường đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế, vẫn để tồn tại những hạn chế bất bình đẳng trong vấn đề đầu tư, đồng thời cảnh báo việc chậm trễ thực hiện các cải cách thị trường tại Trung Quốc có nguy cơ đẩy nước này vào tình trạng trì trệ.
Thông tin về biến động trên thị trường Trung Quốc được đưa ra bất chấp hàng loạt biện pháp đã được Bắc Kinh tiến hành nhằm ngăn chặn đà sụt giảm mạnh của nước này, trong đó có việc 5 lần giảm lãi suất kể từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay và vài lần giảm lượng tiền mặt bắt buộc mà các ngân hàng phải dự trữ nhằm kích thích cho vay. Hồi tháng trước, nước này cũng đã bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ khiến các thị trường tài chính toàn cầu được một phen chao đảo.
“Các dữ liệu về thương mại cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang ngập trong suy thoái ngày càng sâu hơn và các biện pháp mà Chính phủ nước này áp dụng để bình ổn thị trường đã không thể khuyến khích các nhà đầu tư” – ông Ronald Wan, Giám đốc điều hành tại tổ chức Partners Capital International ở Hong Kong nhận định.
Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc dự kiến sẽ áp dụng biện pháp mới ngăn chặn sự biến động nghiêm trọng của thị trường. Theo đó, tất cả các giao dịch trên cả sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến sẽ được dừng lại trong vòng 30 phút nếu chỉ số CSI 300 của 300 công ty lớn đã được niêm yết trên thị trường tăng hoặc giảm từ 5% trở lên và các giao dịch sẽ dừng lại cho đến hết ngày nếu biến động đạt mức 7%.
Tuyên bố từ các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến cho biết, cơ chế có tên “ngắt mạch” này sẽ giúp ngăn chặn các rủi ro thị trường, thúc đẩy sự ổn định dài hạn và sự phát triển ổn định của các thị trường chứng khoán. Đây là bước đi mới nhất trong hàng loạt các biện pháp được giới chức Trung Quốc áp dụng nhằm kiểm soát sự bùng nổ “bong bóng” bất động sản ở nước này sau các diễn biến gần đây của thị trường./.