Chương trình mới, tư duy cũ

(PLO) - Thiết nghĩ, việc áp dụng chương trình giáo dục mới cần được thử nghiệm ở các trường đáp ứng đủ nhân lực và vật lực. Trong quá trình thử nghiệm sẽ phát hiện và điều chỉnh lại những điểm bất cập, sau đó tiến đến phổ biến đại trà ở các trường còn lại. Nếu tư duy cũ thì chương trình mới khó mới thực sự. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể (CTPTTT). Theo đó, giảm số môn học, không quy định cứng thời gian từng môn, việc dạy ngoại ngữ có thể bắt đầu từ lớp 1, lớp 10 học sinh được định hướng nghề nghiệp... là những điểm mới của Dự thảo CTPTTT. Tuy nhiên, còn một số vấn đề mà nhiều phụ huynh và giáo viên thật sự quan tâm.

Dự thảo lần này đã nêu rất rõ, khuyến khích các trường dạy học hai buổi/ngày. Điều này sẽ giảm bớt việc học sinh phải “lao đầu” vào học thêm ngoài giờ, thay vào đó là tham gia các hoạt động rèn luyện thể thao, nghệ thuật... Mặt khác, cách gọi tên “môn học bắt buộc”, “môn học bắt buộc có phân hóa”, “môn học tự chọn”, “môn học tự chọn bắt buộc”... sẽ làm mất đi khái niệm “môn chính” - vốn ám chỉ các môn Toán, Văn, tiếng Anh là các môn thường có tiếng nói rất lớn trong việc xếp loại học lực của học sinh, đồng nghĩa là các em sẽ xem thường những “môn phụ”.

Cũng từ việc thay đổi ý nghĩa này, người học cần có cái nhìn công bằng hơn với các môn thường chú trọng vào lý thuyết như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân...

Ngay sau khi CTPTTT lần 1 được công bố, từ đầu năm học 2015 - 2016, các trường phổ thông đã nhận được nhiều bộ sách giáo khoa thử nghiệm cho chương trình mới (phần lớn là các lớp đầu cấp). Giáo viên đã lúng túng trong việc truyền dạy chứ chưa nói đến học sinh.

Nhiều ý kiến băn khoăn, chương trình mới không nên tham lam trong việc truyền thụ kiến thức. Ví dụ, chương trình Ngữ văn 7 hiện hành được xem là “chiếc áo rộng” so với khả năng của học sinh. Phải tính toán để kiến thức học sinh được nâng dần, cho đến khi các em học lớp 12 thì kỹ năng sẽ hoàn thiện và đạt đến mức cần thiết.

Theo các chuyên gia về giáo dục: “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục”. Do đó, thay vì xếp hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành các chủ đề hoặc học phần (mô đun) để học sinh tùy chọn theo nguyện vọng, thì nên tích hợp trực tiếp trong các môn học bắt buộc để học sinh tự vận dụng kiến thức mà trải nghiệm. 

Theo dự kiến, chương trình mới sẽ áp dụng theo hình thức “cuốn chiếu” từ năm học 2018-2019, có nghĩa là chỉ còn hơn một năm rưỡi cho công tác chuẩn bị và giảng dạy chính thức, xem ra sẽ là bài toán nan giải cho những người thực hiện. Cho đến giờ các trường sư phạm vẫn chưa thực sự khởi động. Điều này làm cho công tác tập huấn giáo viên vào đầu năm học sẽ rất khó khăn, giáo viên vốn dạy đơn môn nay phải dạy tích hợp ở nhiều chủ đề, học phần...

Thiết nghĩ, việc áp dụng chương trình giáo dục mới cần được thử nghiệm ở các trường đáp ứng đủ nhân lực và vật lực. Trong quá trình thử nghiệm sẽ phát hiện và điều chỉnh lại những điểm bất cập, sau đó tiến đến phổ biến đại trà ở các trường còn lại.

Nếu tư duy cũ thì chương trình mới khó mới thực sự. 

Đọc thêm