Tư duy 'chông'

(PLO) - Đến tối 10/4, hàng ngàn cây chông cắm ở vườn hoa 19-8, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với lý do ngăn chó vào vườn hoa đã được nhổ bỏ. Trước đó, để ngăn chó thả rông vào khu vực vườn hoa 19-8 quận Hoàn Kiếm khoảng một tuần nay hàng ngàn cây chông nhọn đầu đã được cắm cạnh lối đi. 
Ảnh từ internet
Ảnh từ internet

Những thanh tre vót nhọn có độ cao khoảng 50cm được cắm xuống đất cạnh lối đi không chỉ gây nguy hiểm mà còn tạo nên hình ảnh phản cảm cho du khách nước ngoài. Tôi gọi đó là “tư duy chông”.

Tất nhiên dân Việt Nam hiện nay vẫn là sạch trong nhà mình, ngoài ngõ mặc kệ. Nuôi chó trong nhà, cứ sáng thả chó ra đường làm việc “tế nhị”. Điều này khác hẳn với công dân các nước đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Họ dẫn chó ra đường nhưng lúc nào cũng có túi nilon trong người để nhặt phần “tế nhị” do chó làm “rơi vãi”. Chỉ riêng chi tiết này chưa biết bao giờ người Việt mới học được người nước ngoài. Tuy nhiên, không thể vì thế mà “cắm chông”.

“Tư duy chông” thực chất là biến thái của tư duy không quản được thì... cấm, vốn mang đặc điểm riêng biệt của Việt Nam.

Chuyện quản không được là cấm ở ta dường như đã ăn sâu vào tư duy lãnh đạo các cơ quan thiếu năng lực, thiếu tầm nhìn. Nếu có tâm và tầm không vấn đề gì là không thể “quản”. Các cơ quan quản lý nếu biết tận dụng, tạo điều kiện để người dân phản ánh nhanh nhất những sự kiện, biến cố... thì việc quản lý xã hội sẽ trở nên rất đơn giản, hiệu quả. Nói cách khác, phải lấy dân làm gốc, phải dựa vào dân. Người dân ngoài cung cấp thông tin, còn hiến kế cả cách quản lý xã hội sao cho tốt, cho hiệu quả, không cần phải cấm, phải phạt.

Đáng tiếc, câu chuyện “cấm” vẫn dài dài.

Năm 2016, trên các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội xôn xao với Công điện số 1042 ngày 26/4 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) về chuyện ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ. Kết thúc câu chuyện này là “không cấm”.

Gần đây, Bộ Công an đã soạn thảo xong Dự thảo lần 2 nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị để chuẩn bị thi hành từ ngày 1/7/2017. Việc ban hành nghị định trên nhằm mục đích điều chỉnh hoạt động kinh doanh các thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình, định vị bí mật là cần thiết, tuy nhiên nhiều nội dung cho thấy chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có vấn đề.

Điều 4 Dự thảo Nghị định quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này là là vi hiến...

Liệu đây có phải là “tư duy cấm”, tư duy “chông” trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới?

Nói tóm lại, “tư duy hố chông” không thể tồn tại lâu dài. Không thể “cấm” mãi vì bất lực về quản lý.

Đọc thêm