Nhiều giáo viên cũng cho biết, theo dự thảo này, chương trình chưa giảm tải nội dung học tập. Chương trình mới vẫn ôm đồm và nặng nề đối với học sinh cả ba cấp, đặc biệt là cấp tiểu học. Theo dự thảo, ở bậc tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên). Nếu so với chương trình cũ, chương trình mới nặng về kiến thức hơn rất nhiều, quá tải hơn nhiều so với chương trình trước đây và chắc chắn sẽ rất áp lực cho trẻ trong độ tuổi 6 - 7.
Vốn dĩ học sinh tiểu học chỉ nên hướng tới mục tiêu dạy các em biết đọc và viết thông thạo tiếng Việt, bước đầu làm quen với việc học ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống và sự hiểu biết ban đầu về tự nhiên, xã hội chứ không phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức như chương trình mới đặt ra.
Do đó, GS.TSKH Ngô Việt Trung - Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Toán cho rằng, cần có sự phân bổ thời lượng sao cho khoa học. Nếu không làm cẩn thận sẽ gây xáo trộn trong toàn xã hội bởi nó quyết định toàn bộ cấp học phổ thông, cấp học nền tảng của cả một đời người.