Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững: Giải ngân không hết, nhiều địa phương hoàn trả ngân sách

(PLVN) - Liên quan tới chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới công bố cho thấy có 28 tỉnh, thành phố đã không giải ngân hết kế hoạch vốn, phải hoàn trả ngân sách trung ương 165 tỷ đồng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều hạn chế

Thông qua kết quả kiểm toán của 49 tỉnh, thành phố đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá tuy các địa phương đã thực hiện cơ bản đầy đủ các nội dung của Chương trình, hầu hết các địa phương đều đạt hoặc vượt mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cán bộ cấp xã nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình có ý nghĩa đối với người nghèo này. 

Một trong những hạn chế được KTNN chỉ ra là nhiều địa phương chưa bố trí đủ vốn ngân sách địa phương đối ứng cho Chương trình như: Tỉnh Gia Lai 52,5 tỷ đồng, Bắc Giang 38,7 tỷ đồng, Quảng Bình 28,9 tỷ đồng, Bình Định 25,4 tỷ đồng, Hà Tĩnh 19,7 tỷ đồng, Đắk Lắk 11 tỷ đồng...;  phân sai cơ cấu vốn đầu tư, vốn sự nghiệp cho các Dự án của Chương trình 30a, 135. 

Điển hình như tỉnh Sơn La, địa phương này đã phân bổ vốn đầu tư của Dự án 2 cho Dự án 1, số tiền 20 tỷ đồng; phân bổ vốn sự nghiệp Dự án 1 cho Dự án 2 với số tiền 3,7 tỷ đồng và Dự án 3, 4, 5 số tiền 5,8 tỷ đồng… Hay tại Cao Bằng, tỉnh này cũng phân bổ vốn sự nghiệp của Dự án 1 cho Dự án 3, Dự án 5 số tiền 5 tỷ đồng, Lạng Sơn phân bổ vốn của Dự án 1 (Tiểu DA1) cho Dự án 2, số tiền 2,9 tỷ đồng.

Cũng theo KTNN, ngoài không bố trí vốn đối ứng, phân bổ sai, không ít địa phương còn phân bổ vốn không đúng đối tượng như vốn đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng: Tỉnh Hà Giang 22 tỷ đồng, Bình Định 16,6 tỷ đồng, An Giang 7,8 tỷ đồng, Sơn La 1,7 tỷ đồng, Yên Bái 1,4 tỷ đồng, Hà Tĩnh 0,3 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: Tỉnh Sơn La 6,7 tỷ đồng, Phú Thọ 1,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra tình trạng nhiều địa phương còn phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp duy tu, bảo dưỡng các công trình thuộc Dự án 1 (Chương trình 30a) vượt 6,3% vốn hỗ trợ đầu tư hàng năm theo quy định. Trong đó một số địa phương bị kiểm toán “bêu tên” như: Cao Bằng vượt 10,7 tỷ đồng, Điện Biên vượt 7,5 tỷ đồng, Lào Cai vượt 6,8 tỷ đồng, Bắc Kạn vượt 4,6 tỷ đồng, Lai Châu vượt 3,3 tỷ đồng, Bắc Giang vượt 1,2 tỷ đồng.

Thậm chí, các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn phân bổ không hết hàng tỷ đồng nguồn Trung ương giao hoặc phân bổ kinh phí kết dư của Chương trình cho các đơn vị chưa đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nhiều nơi còn bố trí vốn cho các công trình khi chưa đủ thủ tục đầu tư hoặc không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó tỉnh Bình Định “đội sổ” với 36 danh mục công trình chưa đủ thủ tục đầu tư và 64 công trình không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Khắc phục các vấn đề về cơ chế, chính sách

Một hạn chế mà KTNN cũng chỉ ra trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là chưa bố trí hoàn trả vốn ứng trước hoặc bố trí để trả nợ vốn ứng trước của công trình không thuộc đối tượng Chương trình. Điển hình như tỉnh Quảng Ngãi có 90,9 tỷ đồng chưa bố trí hoàn trả vốn ứng trước và Gia Lai 26 tỷ đồng. Trong khi tỉnh Cao Bằng có 19,9 tỷ đồng bố trí để trả nợ vốn ứng trước của công trình không thuộc đối tượng Chương trình. 

Đáng chú ý, có 28/49 tỉnh, thành phố được kiểm toán đã không giải ngân hết kế hoạch vốn, phải hoàn trả ngân sách trung ương tới 165 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 79 tỷ đồng; vốn đầu tư 86 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã giao cho một số UBND xã làm chủ đầu tư năng lực chuyên môn chưa phù hợp quy định hoặc một số UBND huyện làm chủ đầu tư áp dụng cơ chế đặc thù (Chương trình 135) chưa phù hợp. Đặc biệt rất nhiều địa phương đã phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư vượt thẩm quyền, chỉ định thầu cho một số gói thầu không đúng quy định.  

Theo kết quả kiểm toán, tỉnh Bình Định có giá trị gói thầu 4,995 tỷ đồng nhưng thực hiện hình thức chỉ định thầu; Kon Tum chỉ định thầu gói thầu thi công không phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; An Giang chỉ định gói thầu trên 0,5 tỷ đồng; Bình Phước chỉ định thầu gói thầu dịch vụ đào tạo có giá trị trên 0,5 tỷ đồng, gói thầu mua phân bón NPK cao cấp có giá trị 2 tỷ đồng theo hình thức chào hàng cạnh tranh; Cao Bằng phê duyệt chỉ định thầu gói tư vấn lập dự án trước khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách đã nêu trong từng báo cáo kiểm toán. Đồng thời chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2019.

Đọc thêm