Chương trình sách giáo khoa mới: Sẽ tăng giáo dục giới tính

(PLO) - “Nội dung giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ em sẽ được quan tâm hơn trong SGK mới. Các bài học giúp các em nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như: khoa học đời sống, kiến thức pháp luật, sinh học của các cấp học...”, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, cho biết.
Chương trình - sách giáo khoa mới sẽ chú trọng giáo dục giới tính, nhân văn. Ảnh minh họa.
Chương trình - sách giáo khoa mới sẽ chú trọng giáo dục giới tính, nhân văn. Ảnh minh họa.

Trước báo giới, mới đây, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9/2017.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu bao gồm: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm.

Đồng thời, chương trình góp phần hình thành và phát triển cho học sinh năng lực cốt lõi gồm năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực…

Cũng tại buổi họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, giải đáp nhiều thắc mắc về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đến nay, dự thảo chương trình này đã hoàn thành, dự kiến công bố rộng rãi vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 để lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành vào tháng 9 tới. Ông khẳng định chương trình mới có thể triển khai từ năm 2018.

Chương trình sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, từ các lớp đầu cấp, có thể là từ lớp 1, 6, 10 hoặc lớp 1, 6 tùy tình hình cụ thể. Bên cạnh đó, giáo viên cũng là yếu tố cần được quan tâm. Theo ông Thuyết, Bộ GD-ĐT đã có chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đồng thời ban phát triển chương trình viết tài liệu, xây dựng trang web bồi dưỡng giáo viên.

Ông Thuyết thông tin thêm Ngân hàng Thế giới nhận xét giờ học ở nước ta đang quá ít. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải. Nhằm góp phần giải quyết, chương trình mới sẽ giảm một số môn. Trong đó, chương trình THPT thay đổi nhiều nhất.

Cụ thể, chương trình lớp 10 sẽ mang tính định hướng nghề nghiệp với các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Học sinh chọn học thêm ngoại ngữ 2. Ở lớp 11 và 12, các môn học bắt buộc gồm Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật.

Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc) gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh chọn tối thiểu 5 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của trường.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm, chương trình - SGK mới sẽ đề cập nhiều hơn đến vấn đề giới tính. “Nội dung giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ em sẽ được quan tâm hơn trong SGK mới. Các bài học giúp các em nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như: khoa học đời sống, kiến thức pháp luật, sinh học của các cấp học...” - GS Thuyết chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh để bảo vệ được trẻ em không chỉ cần có chương trình giáo dục tốt mà còn cần có sự phối hợp của gia đình, xã hội và sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận nhiều vụ việc liên quan đến an toàn trường học thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ vấn đề đạo đức nhà giáo và dân chủ trường học. Bộ đang quyết liệt chỉ đạo để việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm nhà giáo và nâng cao tính dân chủ trong trường học được thực hiện nghiêm túc. 

Đọc thêm