Cụ thể:
Ngày 8/5: chương trình Vì Lá Phổi Khỏe đã cùng Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức hội nghị khoa học “Cập nhật chẩn đoán điều trị Hen phế quản theo tổ chức Sáng kiến Hen toàn cầu (Global Initiative Asthma – GINA) 2019” nhằm cập nhật chẩn đoán và điều trị hen cho hơn 700 bác sĩ (BS) trên cả nước tham dự tại chỗ và trực tuyến.
Ngày 11/5, chương trình và bệnh viện cũng đã tổ chức khám, chụp X-Quang, đo chức năng thông khí phổi và tư vấn miễn phí phát hiện sớm hen phế quản tại cộng đồng cho 500 người dân tại xã Minh Châu, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Ngày 12/5: chương trình Vì Lá Phổi Khỏe đã hợp tác với Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng TP HCM tổ chức hội nghị “Mạng lưới quản lý Hen và bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) trong cộng đồng (ACOCU)” thu hút 350 BS tham dự với mục đích: nâng cao nhận thức về bệnh hen cho nhân viên y tế, cập nhật các thông tin về hen, kiện toàn mạng lưới ACOCU Việt Nam.
Song song đó, trong 3 tháng 5, 6 và 7, chương trình cũng đã, đang và sẽ tiến hành khám sàng lọc cho 2.110 bệnh nhân tại các bệnh viện Y Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Tân, Bạch Mai, Phổi Trung ương, ĐHYD Phòng khám 1, Gò Vấp, Phổi Ninh Bình, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nông nghiệp…
Hội nghị thường niên Ngày Hen toàn cầu |
Những hoạt động trên nhằm tăng hiểu biết về Hen phế quản trong cộng đồng, giúp người bệnh hen được phát hiện và điều trị sớm một cách chủ động, đồng thời tạo cơ hội cho BS được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị Hen phế quản.
Hen là bệnh viêm mạn tính đường thở, gây ra hơn 346.000 ca tử vong và 13,8 triệu người sống với bệnh tật mỗi năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chỉ có 39,7% bệnh nhân kiểm soát hen tốt, trong khi đó có tới 62,3% bệnh nhân được thống kê chỉ dùng thuốc giãn phế quản để điều trị khi lên cơn hen. Đây là thực tế đáng lo ngại bởi các nghiên cứu đã chỉ ra lạm dụng thuốc giãn phế quản mà không dùng thuốc kiểm soát có mối liên hệ với sự tăng nguy cơ tử vong do hen.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng TP HCM, cho biết: “Điều kiện điều trị bệnh hen ngày nay đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Ví dụ như bệnh nhân vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được các đơn vị quản lý Hen và BPTNMT đạt chuẩn. Thuốc điều trị hen tuyến cơ sở vẫn đang thiếu, chúng ta vẫn chưa có phác đồ quốc gia điều trị hen.
Với cập nhật GINA 2019, tôi hy vọng Bộ Y tế hỗ trợ để Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Phổi Việt Nam, Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TP HCM viết phác đồ điều trị làm cơ sở pháp lý cho tất cả các bệnh viện tuyến cơ sở xin được thuốc hen cho bảo hiểm y tế (BHYT)...
Vì vậy, các hoạt động chương trình Vì Lá Phổi Khỏe triển khai vừa qua có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, chương trình hỗ trợ việc đưa ra phác đồ điều trị thống nhất, xây dựng qui trình quản lý tại bệnh viện để nâng cao chất lượng quản lý bệnh nhân hen ngoại trú.
Đối với đội ngũ y, bác sĩ, chương trình giúp nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và quản lý cho cán bộ y tế tỉnh thành, quận, huyện và tuyến cơ sở trên cả nước thông qua các buổi đào tạo y khoa liên tục và các chương trình cập nhật các thông tin y khoa.
Về phía cộng đồng và bệnh nhân, chương trình Vì Lá Phổi Khỏe sẽ giúp nâng cao nhận thức đúng về bệnh thông qua các câu lạc bộ bệnh nhân và các hoạt động khám tầm soát, hỗ trợ giáo dục bệnh nhân về các triệu chứng, cải thiện chẩn đoán, điều trị sớm và tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất. Tất cả đều vì mục tiêu cuối cùng là giúp bệnh nhân sống bình thường như người khỏe mạnh”.
Ông Nitin Kapoor, Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho biết: “Tập thể AstraZeneca Việt Nam nói chung và đội ngũ thực hiện chương trình Vì Lá Phổi Khỏe nói riêng rất phấn khởi khi phối hợp được với nhiều bệnh viện và tổ chức y tế thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức và khám sàng lọc, tầm soát cho bệnh nhân về bệnh hen nhân Ngày Hen toàn cầu. Những hoạt động thiết thực này một lần nữa nhấn mạnh cam kết của AstraZeneca là đồng hành cùng các đối tác để bảo vệ và nâng cao sức khỏe thể lực và tinh thần cho người dân Việt Nam cũng như đóng góp vào việc phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia”.
Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” do AstraZeneca hợp tác với Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế triển khai với số tiền đầu tư lên đến 1 triệu đô-la Mỹ (2017 – 2020) nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú cho các bệnh Hen và BPTNMT ở Việt Nam. Từ khi triển khai đến nay, chương trình đã xây dựng được 29 đơn vị quản lý Hen và BPTNMT, khám tầm soát cho 1.800 bệnh nhân, tặng 19 máy hô hấp ký và 722 máy phun khí dung nhằm hỗ trợ cho BS trong công tác điều trị và triển khai chương trình đào tạo y khoa liên tục cho hơn 2.500 BS.
Ngày Hen toàn cầu (thứ Ba đầu tiên tháng Năm hàng năm) do GINA khởi xướng vào năm 1998 nhằm nâng cao nhận thức và chất lượng quản lý bệnh Hen phế quản trên toàn thế giới. Mỗi năm GINA luôn cập nhật các kiến thức và khuyến cáo mới trong điều trị và quản lý bệnh Hen. Chủ đề năm này là STOP: Symtom evaluation (Đánh giá triệu chứng), Test response (Kiểm tra), Observe and Assess (Quan sát và đề xuất phương pháp điều trị) và Proceed to Adjust treatment (Tiến hành điều trị).
Ngay sau các chương trình nhân Ngày Hen toàn cầu, Hội Hen - Dị ứng- Miễn dịch Lâm sàng TP HCM phối hợp với công ty AstraZeneca Việt Nam đã tổ chức buổi đào tạo y khoa liên tục trực tuyến với chủ đề “Lựa chọn phù hợp trong điều trị Hen và BPTNMT”, thu hút sự tham gia của nhiều Phó Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành Hô hấp trong và ngoài nước cùng với 871 BS trên toàn quốc.
Tại sự kiện, các báo cáo viên đã cung cấp những kiến thức hữu ích trong thực hành lâm sàng như tầm quan trọng của cá thể hóa dụng cụ hít trong kiểm soát Hen và BPTNMT. Theo đó, BS cần lưu ý chọn dụng cụ hít mà bệnh nhân có thể và sẽ dùng một cách hiệu quả. Khi đã xác định dụng cụ hít phù hợp với từng bệnh nhân, chúng ta cần tăng cường huấn luyện bệnh nhân về cách dùng dụng cụ hít hợp lý và nên kiểm tra cách dùng ở mỗi lần tái khám.