Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Bảo đảm tính khả thi, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

(PLVN) - Sáng 8/4, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 21 để thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ xác định 3 nguyên tắc lập đề nghị về Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024. Đó là, ưu tiên đề xuất các dự án vào Chương trình nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Ưu tiên đề xuất đưa các dự án vào Chương trình nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, đề nghị Chương trình phải bảo đảm tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần bảo đảm các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ QH. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở đó, đối với Chương trình năm 2024, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án, dự thảo (7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, 1 dự án pháp lệnh), lùi thời gian trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND; Ủy ban Tư pháp đề nghị trình QH xác định cụ thể phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đề nghị trình QH cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đối với Chương trình năm 2025, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc đề nghị đưa 18 dự án luật vào Chương trình. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 9 dự kiến thông qua 8 dự án luật (đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8) và cho ý kiến 10 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 10, dự kiến thông qua 10 dự án luật và không có dự án luật trình cho ý kiến.

Bảo đảm chất lượng công tác lập pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác lập và thực hiện Chương trình thời gian qua.

Nêu rõ khối lượng công tác lập pháp là rất lớn, trong bối cảnh năm cuối nhiệm kỳ, các đại biểu cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác lập pháp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm thời gian kỳ họp hoặc có thể họp chuyên đề pháp luật để cho ý kiến kỹ lưỡng hơn vào các dự án luật.

Đối với các đề xuất cụ thể, các đại biểu đề nghị các cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu đánh giá sâu sắc hơn các quy định hiện hành, làm rõ nội hàm các đề xuất chính sách có trong các dự án luật và hoàn chỉnh hơn đánh giá tác động của chính sách, bảo đảm chính sách rõ ràng, khả thi, chất lượng.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp cơ bản thống nhất với nội dung và tiến độ các dự án luật được Chính phủ và các cơ quan đề nghị đưa vào Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024 cũng như các đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cơ quan chủ động chuẩn bị các nội dung tiếp thu, làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng được nêu tại phiên họp nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có đầy đủ cơ sở trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét quyết định.

Đọc thêm