Đổi mới hiệu quả trong công tác hộ tịch
Công tác hộ tịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong năm 2016, được các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện và có nhiều khởi sắc. Bộ Tư pháp đã chủ động tập huấn, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; phối hợp với Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BTP-BNG ngày 30/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm giai đoạn 1 phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong - tỉnh Nghệ An. Sau khi sơ kết thí điểm giai đoạn 1, đã tiếp tục triển khai thí điểm giai đoạn 2, mở rộng địa bàn áp dụng phần mềm tại 07 tỉnh (An Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp). Đồng thời, triển khai thí điểm phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại thành phố Hồ Chí Minh, An Giang và Sóc Trăng. Theo thống kê mới nhất, Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho gần 278 nghìn trường hợp.
Ở các địa phương, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho chính quyền áp dụng nhiều sáng kiến, đổi mới hiệu quả trong công tác hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân. Đáng chú ý hơn cả là Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố ban hành và thực hiện Đề án triển khai thí điểm thực hiện trao giấy khai sinh, bảo hiểm y tế (BHYT), hộ khẩu tại gia đình trẻ em trên địa bàn thành phố, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/9/2016, UBND TP Đà Nẵng sẽ thí điểm trao giấy khai sinh, hộ khẩu và thẻ BHYT cho những trường hợp như thuộc diện hộ nghèo, gia đình dân tộc thiểu số, hộ chính sách, trường hợp yếu tố nước ngoài, trường hợp người mẹ đơn thân. Mỗi công dân mới chào đời khi làm thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND xã, phường hay quận, huyện sẽ được cán bộ đến tận nhà trao giấy tờ và một bó hoa chúc mừng ngay tại nhà.
Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với UBND các cấp để lựa chọn các gia đình và chuẩn bị việc trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ BHYT tại gia đình trẻ em. Thời gian trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ BHYT tại gia đình trẻ em được tổ chức thực hiện trong thời gian không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ BHYT. Việc thí điểm sẽ đến hết năm 2017.
Khởi động Đề án thí điểm trao giấy khai sinh, thẻ BHYT, hộ khẩu tại gia đình trẻ em ở Đà Nẵng, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đến tận nhà 5 em bé với bó hoa trên tay trong một ngày đầu tháng 10/2016. Ngoài giấy khai sinh, hộ khẩu, BHYT cho trẻ, các gia đình còn được nhận sổ tiết kiệm trị giá 1 triệu đồng/hộ và thiệp chúc mừng của Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch UBND xã, phường nơi có trẻ khai sinh. Tận tay đi trao giấy khai sinh, ông Thơ mong muốn các em bé khi lớn lên biết được thành phố đã chào đón mình như thế nào, sẽ có thêm động lực để học tập, trở thành những công dân tốt. Ông Thơ cho biết, sau lần trao thí điểm này, trực tiếp Chủ tịch UBND các phường, xã sẽ đến nhà trao giấy khai sinh cho trẻ.
Địa điểm xa nhất trong đợt trao giấy khai sinh thí điểm đầu tiên là gia đình chị Trần Thị Thùy Trang (người dân tộc Cơ Tu) ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Nhận giấy khai sinh cho cháu ngoại, ông Phom (bố chị Trang) cẩn thận cất vào chiếc bao bì “Hồ sơ gia đình”. “Tôi rất vui. Gia đình sẽ chăm sóc cháu, cho nó đến trường để khỏi thất học và ghi nhớ lời dặn dò của Chủ tịch thành phố” – ông Phom chia sẻ.
Bước chuyển trong giải quyết thủ tục hành chính
Với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới và của các bộ, ngành, địa phương, công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016 được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, các cấp chính quyền. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân. Theo đó, khi thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong các hình thức gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đây là một sáng kiến cải cách, một bước đột phá nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để gửi hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thay thế một phần quan trọng cho phương thức truyền thống trước đây là tổ chức, công dân trực tiếp mang hồ sơ, tài liệu, giấy tờ đến cơ quan hành chính nhà nước để nộp và chờ nhận kết quả ngay tại cơ quan đó.
Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng địa bàn cách trở; giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính mà vẫn bảo đảm an ninh an toàn đối với hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tổ chức, công dân. Đồng thời, việc giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích sẽ góp phần giảm áp lực đối với các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; giảm cơ hội phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa chất lượng cải cách hành chính công trong giai đoạn mới của đất nước.
Ứng dụng công nghệ thông tin, thiết thực phục vụ nhu cầu của người dân
Ứng dụng công nghệ thông tin luôn được Bộ, ngành Tư pháp xác định vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp chủ yếu để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2016. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, ngành được triển khai khá toàn diện trong các lĩnh vực như trong công tác chỉ đạo điều hành qua môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật tiếp tục được cập nhập với hơn 98.000 văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Trung ương và địa phương ban hành; việc sử dụng hệ thống thư điện tử để trao đổi công việc đã được thực hiện thường xuyên; hệ thống Hội nghị truyền hình, giao ban, tập huấn trực tuyến được áp dụng rộng rãi, hỗ trợ đắc lực và đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành, đặc biệt là phục vụ các Hội nghị lớn của ngành. Cổng thông tin điện tử, các Trang thông tin điện tử của Bộ ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực; an toàn, an ninh thông tin mạng được bảo đảm.
Nhằm đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Tư pháp đã và đang tập trung hoàn thiện các ứng dụng để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ. Trong năm 2016, các Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm đã giải quyết tổng số gần 700 nghìn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng tới 35% so với năm 2015), trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt khoảng 50%. Phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch cũng được nâng cấp, bảo đảm đạt mức độ 4 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến để triển khai từ năm 2017.
Trong lĩnh vực lý lịch tư pháp thì hiện đã có 56/63 Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính và 45/63 Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phương thức đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Nhờ đó, tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp từng bước được giải quyết. Tại các địa phương, đã cấp được 342.546 Phiếu lý lịch tư pháp, tăng 11,64% so với năm 2015. Bộ Tư pháp cấp 308 Phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài từng cư trú tại Việt Nam, 100% được cấp sớm và đúng hạn.
Giúp tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
Trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật năm 2016, Bộ Tư pháp đã nỗ lực góp phần thực hiện tốt chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đảm bảo việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, quá trình thẩm định chùm 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, bên cạnh việc xem xét sự phù hợp, tính cần thiết của các quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các dự thảo nghị định; khả năng thay thế các điều kiện đó bằng một số quy định, điều kiện ít hạn chế hơn quyền tự do đầu tư kinh doanh, Bộ Tư pháp còn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại nhiều thủ tục hành chính trong từng dự thảo nghị định, nhằm cắt giảm các thủ tục, giấy phép, qua đó tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, cho môi trường đầu tư kinh doanh, giúp tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Thực hiện chức năng cơ quan giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ tích cực, chủ động đôn đốc các bộ, ngành quyết tâm giảm nợ đọng nhiều; có báo cáo trình Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết tại các phiên họp thường kỳ. Vì thế, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với trước. Qua đó, lần đầu tiên không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện thực hóa trọng tâm gỡ bỏ rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước.