Theo hồ sơ dự thảo Nghị định về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang đang được Bộ Tư pháp thẩm định, 10 năm thi hành Nghị định số 03/2009/NĐ-CP đã phát huy được vai trò trong việc quy định tổ chức thực hiện, bảo đảm chuyến bay chuyên cơ.
Các quy định pháp lý đã giúp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các chuyến bay chuyên cơ phục vụ hiệu quả công tác của lãnh đạo, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, đáp ứng các yêu cầu về ưu tiên phục vụ và đảm bảo nghi thức đón, tiễn.
Kể từ khi Nghị định số 03/2009?NĐ-CP có hiệu lực đến nay, ngành hàng không dân dụng đã phục vụ 2.292 chuyến chuyên cơ chở lãnh đạo đi trong nước và quốc tế; chuyên cơ nước ngoài và đối tượng ưu tiên nước ngoài là 1.102 chuyến; 1.001 chuyến bay phục vụ các đối tượng Việt Nam đặc biệt khác.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (cơ quan soạn thảo) khẳng định, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự tại sân bay được đặc biệt chú trọng. 100% chuyến bay chuyên cơ được bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không.
“Các cơ quan, đơn vị liên quan đã khắc phục khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn đối với những chuyến chuyến bay có nhiều hành khách, tùy tùng, phóng viên đi cùng đoàn chuyên cơ, cũng như các chuyến bay chuyên cơ thông báo muộn hơn thời gian quy định”- báo cáo cho hay.
Tuy vậy, Nghị định số 03/2009/NĐ-CP không quy định cụ thể đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ nước ngoài, chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ nước ngoài. Việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn chuyên cơ đối với chuyến bay thương mại, đặc biệt là chuyến bay nước ngoài gặp khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về tàu bay, tổ bay. Ngoài ra hãng hàng không phải trả thêm chi phí phát sinh để đáp ứng nghi thức đón tiễn…
Đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang
Điều 4 dự thảo nghị định (thay thế Nghị định số 03/2009/NĐ-CP) quy định đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Đồng thời quy định tiêu chuẩn, quy trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam được áp dụng đối với các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài chở người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm cá nhân tại Việt Nam.
Trường hợp bên nước ngoài có yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn, quy trình phục vụ khác với quy định của Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan căn cứ theo quy định hiện hành, tình hình thực tế và khả năng đáp ứng báo cáo cơ quan của Việt Nam có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ để thống nhất với phía nước ngoài.
Cơ quan có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Doanh nghiệp nhận đặt hàng thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là các hãng hàng không của Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Đơn vị được giao thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.