“Sân khấu hóa” pháp luật!
Nhiều năm qua, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh truyền hình huyện Duy Xuyên đã nỗ lực đưa các điều luật, nội dung tuyên truyền vào hình thức trình diễn hát bài chòi. Đây là cách làm khá hiệu quả nhằm thu hút sự quan tâm của người dân, truyền tải được nhiều nội dung trong công tác tuyên truyền.
Những buổi hô hát bài chòi trước thời điểm đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, hoặc trong các chương trình tuyên truyền, phổ biến các qui định về Luật Hôn nhân – Gia đình, Luật Giao thông… tạo được sức lan tỏa mạnh, thường xuyên được đông đảo bà con miền quê hưởng ứng, tham gia.
|
Quản Nam khen thưởng những cá nhân, đơn vị với cách làm hay trong tuyên truyền pháp luật |
Bà Đỗ Thị Hồng (ngụ thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) cho biết, hát bài chòi về pháp luật là một hình thức rất mới, rất hay, giúp nhiều bà con dễ dàng vận dụng pháp luật. Bà con ở quê rất thích thú và thường xuyên tham gia hình thức hát bài chòi này. Nhất là khi Luật Bầu cử được lồng ghép rất gần gũi, dễ hiểu. Bà con có thể dễ dàng nắm bắt, vận dụng để đi bầu cử hoặc khi tham gia giao thông, qua đó có thể áp dụng vào cuộc sống.
Đặt biệt, trong bối cảnh Quảng Nam có những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, nhiều hình thức khác đã được vận dụng để phổ biến pháp luật rộng hơn đến người dân.
Huyện Đại Lộc là một trong các địa phương đi đầu trong hình thức “sân khấu hóa” pháp luật, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ vào tháng 7/2021, huyện đã linh hoạt chuyển đổi hình thức tuyên truyền cho phù hợp với tình hình thực tiễn, giúp triển khai các biện pháp phòng dịch tại địa phương.
Phòng Tư Pháp huyện đã kết hợp với các Ban quản lý của nhiều chợ tiến hành phát hơn 5.000 tờ rơi, hơn 500 chai nước sát khuẩn và 5.000 khẩu trang đã được cấp phát đến tay người dân nhằm tuyên truyền bà con phòng chống dịch bệnh. Đơi vị cũng kết hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Truyền thanh - Truyền hình huyện tuyên truyền Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và chế tài xử lý 14 hành vi vi phạm phòng chống dịch COVID-19 để phát trên đài Phát thanh của huyện, xã, thôn và trên mạng xã hội.
Tại huyện miền núi Tây Giang, đặc thù là vùng có biên giới đất liền, với đa số dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, mặt bằng chung về dân trí còn thấp, trình độ nhận thức về pháp luật còn chưa cao. Vì vậy, UBND huyện đã linh hoạt chuyển đổi hình thức tuyên truyền gồm tiếng việt và tiếng Cơ Tu giúp người dân dễ hiểu, dễ nắm bắt giúp vận dụng pháp luật vào đời sống, giảm thiểu tình trạng người dân vi phạm pháp luật.
Chuyển biến nhận thức
Quyết tâm đưa pháp luật đi vào đời sống người dân, tạo ra những chuyển biến mới về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, UBND tỉnh Quảng Nam cùng Hội đồng PBGDPL, các ngành, đoàn thể và các địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh công tác phổ biến bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với nhóm đối tượng của từng địa phương. Từng bước đổi mới tư duy, đổi mới cách làm giúp người dân hiểu biết về pháp luật, có khả năng vận dụng vào đời sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, và có ý thức chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân.
Theo ông Đặng Văn Đào, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Nam, trên cơ sở kế hoạch đặt ra, UBND Quảng Nam đã cấp kinh phí đảm bảo cho 9 sở, ngành chủ trì thực hiện 10 Đề án PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Địa phương này cũng mạnh dạn thực hiện mô hình “Cấp tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã nhận kết quả” vào thực hiện đã tạo được bước đột phá trong công tác PBGDPL ở tỉnh.
|
Quảng Nam vừa tổng kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 |
“Mỗi đề án được đưa ra để phổ biến, giáo dục pháp luật là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và mang ý nghĩa thực tiễn cao đối với tỉnh Quảng Nam. Qua đó tạo điều kiện đẩy mạnh các công tác PBGDPL đến mọi tầng lớp nhân dân. Với kết quả nhiều văn bản pháp luật đã đi sâu vào đời sống người dân giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá thể trong công tác đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật”, ông Đào khẳng định.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình PBGDPL đến người dân, Quảng Nam đã cơ bản đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Vừa cung cấp kịp thời cho các văn bản mới cho cán bộ, nhân dân, các hoạt động này vừa góp phần nâng cao nhận thức, áp dụng vào thực tiễn đời sống.
“Thời gian tới, Quảng Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác PBGDPL đến người dân để người dân tiếp nhận thông tin, nhận thức đầy đủ về pháp luật. Tỉnh đã có chủ trương tăng cường đào tạo, trau dồi kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền, báo cáo viên để họ có thể hiểu rõ nhằm mục đích vừa hiểu rõ, vừa có thể giải thích về các ý kiến phản hồi của người dân. Trong xu thế công nghệ thông tin, Quảng Nam cũng sẽ đổi mới nhiều cách thức hoạt động của công tác tuyên truyền đến với người dân thông qua nền tảng số, qua phần mềm Smart Quảng Nam để người dân dễ dàng tiếp cận. Cần thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến trên tinh thần pháp luật phải đi vào thực tiễn cuộc sống”, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Tư pháp Quảng Nam vừa tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2021, giúp cán bộ công chức, học sinh, người dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội cập nhật cũng như nắm rõ các văn bản pháp luật mới có hiệu lực năm 2021.
Đây là cuộc thi nằm trong Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 đến 2021 của Sở Tư pháp. 2 đợt thi đã thu hút gần 32.500 người tham gia, trong đó có hơn 2.100 người trả lời đúng 20/20 câu hỏi. Riêng trong đợt 1, có 26.900 người tham gia, gần 1.300 người đã trả lời đúng 20/20 câu. So với các hình thức tuyên truyền truyền thống, hình thức thi trắc nghiệm pháp luật trực tuyến có hiệu quả hơn, phù hợp với xu thế của thời đại công nghệ thông tin. Nhất là tác động được đến giới trẻ - những người ít tham dự các buổi tuyên truyền tập trung và là đối tượng dễ bị sa ngã, dễ vi phạm pháp luật nhất