Chủ tịch thành phố viết thư xin cho 2 con nhập ngũ
Nằm khiêm nhường trong nhóm hiện vật “Đơn tình nguyện của cán bộ, viên chức, sinh viên Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu” của Bảo tàng Chiến thắng B52 tọa lạc tại phố Đội Cấn - Hà Nội, lá thư (mang số hiệu lưu trữ 135 G – 65) được bác sĩ Trần Duy Hưng viết tay bằng bút mực đen trên tờ giấy khổ nhỏ có in sẵn tên “Trần Duy Hưng”, đề ngày 16/4/1965.
Lá thư gửi tới Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, nguyên văn: “Kính gửi Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tôi xin gửi tới các đồng chí đơn xin nhập ngũ của hai con trai tôi, một con trai cả là Trần Quốc Ân 26 tuổi đảng viên kỹ sư Tổng cục địa chất, con trai bé là Trần Thắng Lợi 16 tuổi học sinh lớp 9. Các con tôi có khẩn khoản nhiều lần để “nói” với các đồng chí cho được phục vụ trong hàng ngũ quân đội. Tôi rất thông cảm với những yêu cầu của các con tôi những ý muốn rất chính đáng của thanh niên trong lúc này. Vì vậy tôi rất mong các đồng chí xét đến nguyện vọng tha thiết của các con tôi. Chào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Trần Duy Hưng Ủy ban hành chính Hà Nội”.
Lá thư được viết vào thời điểm ông Trần Duy Hưng đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội (ngay sau Cách mạng Tháng 8/1945, bác sĩ Trần Duy Hưng là Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, sau đó ông rời Hà Nội lên chiến khu cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Năm 1954 ông trở về Thủ đô, được giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội cho đến khi về hưu năm 1977).
Theo Thiếu tá Phan Thị Hoàng Vân – nhân viên trưng bày tuyên truyền của Bảo tàng Chiến thắng B52, ngày 22/7/1997, Bảo tàng khánh thành nhân kỷ niệm 25 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Bảo tàng đã huy động tất cả nhân viên sưu tầm các hiện vật liên quan. Lá thư của ông Trần Duy Hưng đã “về” với Bảo tàng trong dịp này. Ghi chép trong sổ lưu trữ cho thấy, lá thư của Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng được sưu tầm từ Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô vào tháng 11/1999.
Vì một số lý do khách quan, Bảo tàng Chiến thắng B52 hiện chưa có nhiều tư liệu bổ sung cũng như thuyết minh xung quanh lá thư. Tuy nhiên, một số thông tin trên báo chí của nhiều tác giả đã cho thấy có sự khớp nối trong những năm chống Mỹ, gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng có hai con trai đi bộ đội, vào tuyến lửa. Con trai út của bác sĩ nhập ngũ giữa mùa hè năm 1972 và từng ở chiến trường Quảng Trị.
Cúi sát mặt kính để đọc nội dung lá thư, ông Nguyễn Văn Bình, 72 tuổi, một cựu chiến binh từ Yên Bái đến tham quan Bảo tàng rưng rưng xúc động: “Một vị Chủ tịch thành phố mà đích thân viết thư để xin cho các con gia nhập quân đội, thật đáng khâm phục và cảm động. Đọc lá thư này tôi hiểu hơn quyết định của những người thế hệ như ông Trần Duy Hưng và cha tôi ngày ấy, khi cha tôi yêu cầu chú em học rất giỏi hoãn chuyến sang Liên Xô học tập để nhập ngũ. Ngày ấy cha tôi bảo: “Quân đội đang rất cần những người như con, hãy làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc trước”.
“Chồng làm Chủ tịch thành phố, vợ càng phải giữ gìn”
Ngôi nhà lưu giữ kỷ niệm về bác sĩ Trần Duy Hưng ở thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội nay không còn. Con trai bác sĩ, ông Trần Tiến Đức cho biết nhiều tư liệu về cuộc sống giản dị của gia đình Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội. Cuộc sống của đại gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng (bác sĩ có 7 con ruột và nuôi 2 người con của em trai là liệt sĩ) đều do người vợ hiền Nhữ Thị Tý xoay xở, thu vén. Những ngày ở Việt Bắc, bà Nhữ Thị Tý lo trồng sắn, nuôi dê, nuôi lợn phục vụ sinh hoạt gia đình.
Cách mạng thành công, từ chiến khu trở về, tuy là Chủ tịch thành phố nhưng gia cảnh ông Trần Duy Hưng vẫn rất bình dị. Theo lời kể của ông Trần Tiến Đức, mỗi tháng gia đình chỉ có vài lần ăn tươi. Phiếu thịt của ông Trần Duy Hưng và bà Nhữ Thị Tý phải dành mua mỡ để xào rau. Tuy mang danh phu nhân của vị Chủ tịch thành phố Hà Nội nhưng bà Tý chưa một lần theo chồng xuất ngoại và cũng chưa một lần can dự vào công việc của ông hay đề nghị điều gì cho bất kỳ ai. Bà luôn tâm niệm: “Chồng làm Chủ tịch thành phố, vợ càng phải giữ gìn”.
Bác sĩ Trần Duy Hưng rất yêu con cái. Trong ký ức của ông Trần Tiến Đức vẫn vẹn nguyên kỷ niệm năm lên 5 tuổi ông được cha đưa lên gò Đống Đa. Ông đứng trên gò nghe cha kể chuyện lịch sử, mải mê đến nỗi bị kiến đốt sưng vù chân mà không hay. Chiếc ba lô của con trai út thời trong quân ngũ có nhiều lá thư mà vị Chủ tịch thành phố viết cho con giữa những trận bom B52 oanh tạc Hà Nội, giữa những lần ông trực tiếp đi cứu thương, chữa cháy, khi khói bom chưa tan hết…, rất tiếc đã bị thất lạc ở chiến trường.