Tôi ra Trường Sa hồi tháng tư năm rồi. Ngày chuẩn bị lên tàu, thành phố Hồ Chí Minh oi ả nắng. Những cơn gió thi thoảng tạt lên từ sông Sài Gòn không đủ làm dịu cái nóng xứ này. Tôi thuộc “biên chế” của Đoàn công tác số 7. Tất cả công tác chuẩn bị đã xong, ngày mai Đoàn sẽ lên đường đến với Trường Sa- một nơi mà sau khi trở về đã trở thành một nỗi nhớ như ám ảnh. Ở đó cũng đầy những câu chuyện và hình ảnh lạ lùng, duy nhất có ở Trường Sa.
Ngày lặng sóng
Con tàu HQ 996 đã đợi sẵn ở đó để chuẩn bị cho một cuộc hành trình dài ngày trên biển. Đây là con tàu chuyên chở hành khách do Viện Kỹ thuật Hải quân thiết kế, được đóng năm 1994 và đi vào hoạt động năm 1996. Con tàu này được ví như một chiếc cầu nối Trường Sa và đất liền với trọng tải hơn 2 ngàn tấn. Giấc mơ một lần đến với Trường Sa đang dần trở thành hiện thực.
Chiều ấy, tàu đi qua rừng Sác ở Cần Giờ. Khu rừng này đã được Chương trình Con người và Sinh quyển - MAB của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Giờ, ven sông là những ngôi nhà đục lỗ chỗ để nuôi chim Yến. Ai đi trên tàu qua đoạn này cũng nghe ríu rít tiếng chim. Có điều tìm hiểu kỹ mới hay đó là những tiếng chim phát ra từ đĩa hát và loa - một phát minh độc đáo của người dân nơi đây để dụ chim yến xịn về làm tổ.
Đêm dần buông với vị mặn mòi của biển từ hơi gió. Trăng nhú lấp lửng trong những áng mây lãng đãng trôi trên bầu trời trong vắt. Nửa khuya, tàu đi qua những mỏ khoan dầu, trông xa xa như những ánh lửa thần thoại được thắp sáng từ những cánh tay khổng lồ. Biển nhuốm một màu không thể diễn tả bằng màu và lời. Nó lẫn giữa màu của đêm, màu của ánh lửa, của trăng và của thăm thẳm biển đêm…
Tôi bắt đầu nhận ra những điều đặc biệt trên chiếc tàu HQ 996 hôm ấy. Ông Phan Quang Ngừng - Trưởng đoàn công tác của chúng tôi là một chiến sỹ Trường Sa năm nào. Có ông, chuyến đi của chúng tôi càng đặc biệt hơn. Đã 38 năm, ông trở lại chiến trường xưa. Bao cảm xúc khó tả lắm trong ánh mắt và từng lời ông kể chuyện. Ông sinh năm 1955, là người Khoái Châu- Hưng Yên. Năm 1971 đang học cấp 3 thì ông tình nguyện xin vào bộ đội khi đất nước vẫn còn chưa im tiếng súng. Lúc đó ông đang là một cậu học sinh 16 tuổi, còn chưa biết yêu.
Năm 1972 ông gia nhập Hải quân và được huấn luyện thành một đặc công nước ở Hải Phòng rồi được phân về Đội 125- Lữ 126. Rồi Tư lệnh Hải quân có kế hoạch tuyển chọn 60 người với chế độ huấn luyện đặc biệt để phục vụ cho các nhiệm vụ chiến đấu hết sức phức tạp với các mục tiêu như quân cảng, kho xăng, cầu phà…Ông vinh dự là một trong 60 người được chọn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nổ ra, Phan Quang Ngừng cùng đơn vị được lệnh hành quân cấp tốc vào đánh chiếm Quân cảng Đà Nẵng. Giải phóng Đà Nẵng xong, ông lại được lệnh đi chiến đấu ở Trường Sa. Như sống lại thời ra trận, ông kể: “Qua 2 ngày 3 đêm thì chúng tôi ra đến đảo, ngặt nỗi chưa một ai ra Trường Sa bao giờ nên đều không nắm rõ địa hình, địa vật. Lúc đó sóng to, anh em ai cũng mệt nhưng quyết tâm giải phóng đảo đã làm tiêu tan tất cả những trở ngại đó.
Đêm đến, chúng tôi neo tàu thả xuồng vào đánh đảo Song Tử Tây, địch thông thạo địa hình nên phản ứng dữ dội. Một đồng đội của tôi đã hy sinh. Với tất cả quyết tâm, chúng tôi cũng vất vả mới giải phóng được Song Tử Tây, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch trên đảo. Sau đó một vài ngày, chúng tôi được lệnh tiếp tục giải phóng Sơn Ca. Nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm và chúng tôi sẵn sàng hy sinh để hoàn thành. Ai nấy đều viết thư để lại vì biết trong trận đánh này hy sinh như là điều tất yếu. Nhưng chúng tôi bằng các chiến thuật đánh du kích của mình, cuối cùng cờ giải phóng cũng tung bay trên đảo trong sự hoảng loạn và đầu hàng của quân thù…”.
Câu chuyện của ông cứ thế cuốn chúng tôi vào những phút giây có thể nói là đáng nhớ và oanh liệt nhất trong đời binh nghiệp của ông. Khát vọng chữ nghĩa học hành và ước mơ vào đại học còn dang dở, nên giải phóng xong ông không ở lại với lực lượng Hải quân mà trở về học đại học. Ông ra quân với quân hàm Hạ sỹ. Sau các trận đánh đáng nhớ, đơn vị của ông vinh dự được phong là đơn vị Anh hùng. Hẳn nhiên trong đó có đóng góp của ông…
Ngày ở biển hình như dài hơn, hôm đó nhiều thành viên trong đoàn nhìn thấy cá heo, còn cá chuồn thì một lúc lại thấy nhí nhố bay trên biển.
|
Cuối cùng, Đoàn chúng tôi cũng đến với quần đảo Trường Sa. Mỗi đảo lớn đảo nhỏ chúng tôi đặt chân lên là cơ man sự lạ. Những người lính đảo, họ là Anh hùng, hẳn vậy. Nhưng những công dân của đảo, từ các em nhỏ đến những người gác đèn canh mắt biển ở các ngọn hải đăng, tất cả đều là những Anh hùng. Tôi gọi họ là những “Anh hùng dân sự”.
Trên đảo Sinh Tồn, tôi gặp một cậu nhóc có cái tên rất dễ thương Trần Phan Trọng Nghĩa, học lớp 3 Trường Sinh Tồn. Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn vì chắc mẩm sẽ có câu trả lời biết trước, rằng: “Con thích sống ở đây hay trong đất liền?”. Và tôi đã giật mình trước câu trả lời rành rọt và rất người lớn của Nghĩa: “Ở đâu cũng được, miễn là có sự sống!”. Tôi hỏi thêm: “Ai dạy con nói thế?”, Nghĩa trả lời: “Con nghĩ thì con nói thôi, không ai dạy con cả…”. Và tôi đem theo câu nói của công dân nhí này vào trong hành trang sống của mình bằng một sự cảm phục và yêu thương thực sự với những công dân nhỏ tuổi trên đảo Sinh Tồn.
Ở đảo Song Tử Tây, tôi có một cuộc gặp gỡ thú vị với anh Vũ Công Thập - Trạm trưởng Trạm Hải đăng đảo này. Anh Thập nhắc tôi cẩn thận khi leo những bậc cầu thang gỗ. Bắt chước Nguyễn Tuân đếm ván gỗ ở cầu Hiền Lương, tôi lọ mọ đếm bậc cầu thang dẫn lên tháp ngọn đèn biển được xây dựng sớm nhất ở quần đảo Trường Sa. 128 bậc, tất cả làm bằng gỗ lim. Có điều như anh Thập nói, chúng đã ọp ẹp và già nua vì thời gian cũng như do thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Ngọn hải đăng này xây từ năm 1993, đến nay cũng đã 20 tuổi.
Ngọn hải đăng 20 tuổi thì anh Thập có đến 17 năm gắn bó với Trường Sa, dù anh là “quân” của ngành Bảo đảm hàng hải của Bộ Giao thông vận tải. Đời anh gắn trọn với những ngọn hải đăng. Anh ở Hải Phòng, vợ và hai con anh cũng ở đó. Anh bảo: “Những lúc bão bùng mưa gió, nhớ vợ nhớ con nhưng cũng chỉ thui thủi một mình với biển. Vợ có bầu, mình không về được, lúc sinh con, con lớn, về con thấy bố như người lạ nên càng buồn hơn. Không phải chỉ mình tôi mà các anh em gác đèn biển đều chấp nhận hy sinh hạnh phúc của riêng mình cho những ngọn đèn không bao giờ tắt…”. Và chỉ cần vậy thôi, trong tôi họ xứng đáng được phong Anh hùng…
Hình ảnh chỉ có ở Trường Sa
Ở đảo Nam Yết, khi cùng mấy chiến sỹ Hải quân thăm thú một vòng quanh đảo, đến một doi cát cuối đảo, một chiến sỹ chỉ tay bảo : "Đấy là chiếc đồng hồ cát của bọn em. Doi cát chuyển động, cứ hết một năm doi cát lại quay đúng một vòng ví quy luật của gió và thủy triều. Cát cứ dồn từ đầu này đến đầu kia là hết một năm. Có lúc doi cát còn tạo hình rất giống với các đường nét của bản đồ Việt Nam. Chiến sỹ ở đảo gọi đấy là chiếc đồng hồ cát khổng lồ, hay...doi cát thời gian, và cũng lấy đó làm" thước đo" tuổi quân của mình".
|
Trên đảo Nam Yết cũng có một loài “rau” khổng lồ, sự “khổng lồ” ấy chắc chỉ hiện diện ở Trường Sa, đó là cây muống biển. Các sách thực vật học cho biết đây là cây leo thuộc họ bìm bìm, thường mọc ở các bãi biển, và trong các mô tả cũng không thấy nói đến kích thước của nó, nhưng đa phần nó rất bé, mọc thành đám. Tuy nhiên, ít ai có thể ngờ rằng ở Trường Sa lại có những cây muống biển…cổ thụ.
Như ở trạm Ra đa trên đảo Nam Yết, những cán bộ sống lâu năm ở đảo cũng chẳng biết có một cây muống biển mọc tự bao giờ. Nó gắn với bao thế hệ lính đảo. Đường kính của cây hơn 14cm, mọc trùm lên thành một giàn che nắng cho cán bộ chiến sỹ nơi này. Ai đã từng biết đến cây muống biển, đến Trường Sa lại càng không thể tin rằng trên đời lại có những cây cổ thụ và “hoành tráng” như thế. Nó như một đặc sản tinh thần chỉ có ở Trường Sa.
Một hình ảnh ám ảnh và xúc động cho bất kỳ ai đến Trường Sa là buổi lễ tưởng niệm và thả hoa trên đường hành quân đến đảo Cô Lin. Đúng 13h, buổi Lễ bắt đầu. Thành kính, xúc động và không ai ngăn được nước mắt, kể cả những người đã xông pha trận mạc và ra với Trường Sa nhiều lần. Trong niềm tiếc thương và khâm phục vô hạn ấy là những gợi nhớ về ngày các anh đã chiến đấu và hy sinh đầy oanh liệt trong trận Hải chiến Trường Sa 1988. 64 chiến sỹ hải quân quyết thủ để bảo vệ chủ quyền dân tộc đã hy sinh...
Hình ảnh Thiếu úy Trần Văn Phương ngã xuống khi tay vẫn giữ vững lá cờ Tổ quốc sẽ mãi là một biểu tượng anh hùng khảm sâu vào trong lòng các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam mọi thời đại, và anh luôn sống mãi trong tâm thức những người Việt Nam yêu nước. Hoa và nước mắt chảy ra hòa cùng hơi biển mặn mòi trên chiếc tàu HQ 996. Ai đó thả xuống biển bao thuốc lá… Chắc nơi nào đó trong lòng biển sâu, các anh cũng thấu được lòng biết ơn của chúng tôi, khi thăm các anh giữa mênh mông sóng nước đại dương…
Kết thúc chuyến công tác, chúng tôi được nhận Huy hiệu Chiến sỹ Trường Sa. Và điều nhận được nhiều nhất là kỷ niệm, nỗi nhớ và thêm nặng sâu một tình yêu với Tổ quốc mình. Sẽ có một ngày thật gần, tôi lại xin được thăm lại Trường Sa…