Duyên trời run rủi từ chiếc “vé vớt”
May mắn cho cánh phóng viên chúng tôi trong chuyến công tác những ngày cận tết có dịp trò chuyện cùng anh Đỗ Văn Luận - Trưởng tàu SP1, SP2 trên hành trình Lào Cai - Hà Nội. Làn da ngăm đen, ánh mắt sâu thẳm, nụ cười ấm áp của vị Trưởng tàu dễ tạo thiện cảm, sự tin cậy từ phía người đối diện. Anh Luận nói rằng, với một nhân viên ngành đường sắt, mỗi chuyến tàu xuôi hay ngược đều mang những cảm xúc riêng, bởi mỗi chuyến đi lại càng thêm gắn bó và yêu nghề mình đã chọn. Hành trình an toàn trên những cung đường là niềm vui duy nhất khi được phục vụ hành khách đi và đến đúng giờ, đúng lịch trình như đã định... Nhưng có lẽ với anh Luận, chuyện đáng nhớ nhất phải kể đến những chuyện tình được nảy sinh từ những tấm… “vé vớt”.
Anh Luận giải thích, gọi là “vé vớt”, bởi đơn giản trên mỗi chuyến tàu bao giờ cũng để lại một, hai vé trống dự phòng dành cho trường hợp đặc biệt. Mà thông thường, trên những chuyến tàu Tết, có những vị khách lên tàu nhưng không có vé, không phải vì họ không có tiền mà do không mua được vé, trong khi quê nhà thì tha thiết gọi. Thế là bằng sự cảm thông, nhân viên tàu đành cho họ đi nhờ. Cũng chính vì những ân tình đó, có vị khách đã phải lòng nhân viên tàu, không ít trong số đó đã nên đôi vợ chồng.
Chẳng phải kể đâu xa, chính anh Luận là một ví dụ cho những chuyện tình được chắp cánh trên đường ray. Anh Luận nhớ lại, khi đó anh mới chỉ là nhân viên phụ trách toa đơn thuần, trên một chuyến tàu vào ngày giáp tết, khi tàu đã lăn bánh rời nhà ga, bất ngờ anh phát hiện trên toa của mình có một cô gái trẻ không có vé. Anh Luận nhớ lại: “Dáng người nhỏ bé, cô ta đứng thu lu một góc khuất ở cuối hành lang toa. Tôi tiến lại, cô ta chủ động nói: “Em là sinh viên thuộc trường của ngành, vì muốn về quê Lào Cai quá nhưng lại không mua được vé. Mong anh cảm thông và nhận tiền vé giúp em”.
“Lúc đó tôi như lặng người vì sự chủ động của cô gái, nhưng sau khi kiểm tra thẻ sinh viên, báo cáo sự việc lên Trưởng tàu, tôi đồng ý cho cô bé đi nhờ. Kể từ đó, trong ánh mắt của hai người bắt đầu nẩy sinh tình cảm” anh Luận kể. Dần dà thời gian trôi qua, không ngờ sau ngày ra trường, cô gái này lại được điều về tàu của anh Luận làm việc. Duyên trời đã định, vậy là đôi uyên ương quấn lấy nhau trên những cung đường ngoằn ngoèo của miền núi.
Thế nhưng, khi tình yêu đã “chín”, lúc “đôi chim phải tìm về tổ ấm” thì cũng là lúc anh Luận phải dằn vặt, day dứt. Quê anh ở Ba Vì (Hà Nội), nàng thì tận một huyện vùng cao ở Lào Cai, trong khi đơn vị lại giao trọng trách “cắm chốt” ở trạm Yên Bái. Nếu lấy nàng, chàng kỹ sư kinh tế vận tải (Đại học GTVT) đành chấp nhận cuộc sống “một chốn, bốn quê”. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn đến với nhau bằng câu chuyện từ chiếc vé mà anh cho rằng nó như là một sự run rủi của ông trời vậy.
Luôn thèm cuộc sống gia đình
Quãng thời gian gắn bó với những chuyến tàu của anh Luận tuy mới 10 năm, chưa phải là dài của một người trong nghề, nhưng người đàn ông đã ngoài 30 tuổi cũng đủ xây dựng, tạo nền tảng cho mình bằng những bước đi đúng...
Tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng vào “đầu quân” cho Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội, ngày đầu tiên vào ngành anh được bố trí vào Ban sản xuất, vì thế các ngày lễ, tết không được nghỉ mà đều phải đi làm. Dịp cuối năm anh luôn phải cùng anh em nhân viên đón giao thừa trên tàu, giữ gìn bảo vệ an toàn cho mọi hành khách trên các chuyến tàu mình phụ trách.
Anh Đỗ Văn Luận bộc bạch: “Làm nghề này, suốt ngày “lênh đênh” trên tàu ngược, xuôi nên anh em thường xuyên phải xa nhà. Trong suốt hành trình, chỉ biết chia sẻ những câu chuyện vui, chuyện về gia đình, về công việc và nhiều khi phải tự hát cho nhau nghe để xua đi nỗi nhớ nhà. Nhiều lúc nhìn thấy đứa trẻ đi trên chuyến tàu lại nhớ đứa con bé bỏng ở nhà vô cùng... Lúc ấy chỉ mong sao tàu chạy nhanh để còn kịp về. Nhưng thời gian ở nhà cũng chẳng được là bao, nhiều lúc chỉ đủ tắm giặt thay bộ quần áo, ăn vội bữa cơm nhà là lại phải xách ba lô lên đường”.
Nhất là những chuyến tàu ngày lễ, tết, trong khi mọi người nô nức về nhà, về quê đoàn viên... thì cũng là lúc anh và đồng nghiệp phải “căng sức” làm sao cho chuyến tàu được “đi đến nơi, về đến chốn”. Bởi thông thường, những chuyến tàu áp tết và sau tết rất đông, lịch trình bị chậm so với kế hoạch là không tránh khỏi. Dù lúc ấy cũng thấy “nóng ruột” lắm, vì cái tết thì đang cận kề, chưa về nhà sắm sửa được thứ gì cho gia đình. Rồi có những năm anh em thay nhau trực tết, cũng phải “cáo lỗi” với anh em họ hàng vì sự vắng mặt trong 3 ngày tết của mình.
Năm nào cũng như vậy, trong lúc hàng triệu người dân Việt Nam vui vẻ đón giao thừa cũng là lúc các lái tàu được chút rảnh rang. Anh Luận chia sẻ, thích nhất là đón giao thừa lúc tàu chạy qua những cánh đồng lúa. Lúc đó, người lái tàu không phải căng tai, mắt để đối phó với hiểm nguy rình rập như lái tàu qua phố, qua khu dân cư; là lúc họ có thể có thời gian để thoáng qua trong đầu hình ảnh của vợ, con cùng những người thân. Với họ, giây phút giao thừa trên đầu máy vỏn vẹn chỉ như vậy mà thôi.
Khi sẻ chia những suy nghĩ của mình, những nhân viên trót theo nghiệp “đường ray xe lửa” bộc bạch rằng, là người Việt, ai cũng muốn gần gia đình trong đêm 30 Tết. Buồn có, bịn rịn có, thậm chí có cả nước mắt trong những cái Tết đầu tiên nhưng đổi lại họ lại có niềm vui lớn lao, đó là góp phần nối lại hàng triệu bờ vui cho hàng ngàn vạn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Cũng bởi cái nghề gắn bó với những cung đường nên Luận luôn có ý thức phải nỗ lực vượt qua những khó khăn trong công việc để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của đơn vị và cấp trên giao, cả chuyên môn và công tác xã hội. Trong con mắt của đồng nghiệp, anh Luận luôn vui vẻ, hòa đồng cùng mọi hành khách, thái độ cư xử đúng mực, ân cần trên tinh thần phục vụ...
Với anh Luận, niềm vui lớn nhất trên những hành trình ngược, xuôi mỗi ngày ấy là anh được tham gia giao lưu với mọi người ở nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam, đồng thời nhiều du khách quốc tế ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, cũng làm cho anh có thêm cơ hội để học hỏi, tiếp xúc và hiểu biết hơn về những nét văn hóa, nền văn minh của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia...
Trải dài trong câu chuyện cùng chúng tôi, bỗng anh Luận khẽ thở dài khi nhìn về tấm thiệp cưới của cô nhân viên mới vào ngành được 3 năm. “Vậy là một người nữa lại bỏ ngành đường sắt khi quyết định lên xe hoa về nhà chồng. Cô gái này cũng vậy, lấy chồng trong tận Quảng Bình, và trước khi cưới người chồng đã thỏa hiệp được việc nàng sẽ bỏ nghề vất vả này để “theo chàng về dinh” với một công việc mới”. Đáng nói, trong chuyện tình của cô nhân viên này, điều khiến cánh phóng viên phải ngỡ ngàng là cô ta cũng quen đấng phu quân trong một hoàn cảnh đầy éo le: “đi tàu không có vé”.