[links()]“Chúng tôi xác định, đã xuống tàu là đi Trường Sa, và ở trạm nào cũng hết mình vì công việc, vì thế không nề hà đó là trạm đảo nổi hay đảo chìm”, anh Lê Huy Tân, nhân viên trạm hải đăng Trường Sa lớn chia sẻ. Đằng sau tâm sự đó là một tình yêu không thể đo đếm được của những "người gác đèn" như anh, đối với nghề và đối với Tổ quốc thân thương.
Hải đăng Tiên Nữ được coi là một trong những hải đăng đẹp nhất trong khu vực. |
Xuống tàu là đi đảo
Dưới tán cây rợp mát quanh chân ngọn Hải đăng Song Tử Tây, anh Nguyễn Long Tuấn, trạm Hải đăng Song Tử hãnh diện giới thiệu với chúng tôi về ngọn Hải đăng nơi anh đang cùng đồng nghiệp góp sức giữ từng nhịp đèn.
15 năm trong nghề anh Tuấn đã đi nhiều trạm, “riêng ở Trường Sa cũng làm nhiều trạm rồi, từng ở Đá Tây, An Bang, Song Tử…”. Quê Thái Bình, vợ con vẫn ở quê, anh Tuấn cứ ra đảo 9 tháng lại về nghỉ phép đôi, ba tháng, còn “anh Vũ Công Thập, Trạm trưởng, thì phải đi 1 năm mới được về phép”, anh Tuấn nói. Cứ thế, đi rồi lại về rồi lại đi, đi suốt nghiệp đến khi nghỉ hưu mới coi như là rời đảo.
“Chúng tôi xác định, đã xuống tàu là đi Trường Sa, và ở trạm nào cũng hết mình vì công việc, vì thế không nề hà đó là trạm đảo nổi hay đảo chìm”, anh Lê Huy Tân, nhân viên trạm hải đăng Trường Sa lớn chia sẻ. Anh Tân quê Hậu Lộc, Thanh Hóa, sinh ra gần biển rồi làm nghề gắn với biển, từ khi gác đèn là gắn với Trường Sa, đã từng ở trạm Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa. Trạm trưởng của anh, anh Vũ Sỹ Lưu, là người 26 năm làm nghề gác đèn.
Trước khi vào công tác tại Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo (Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam), anh Lưu từng làm ở đèn Long Châu, Hòn Dáu (Hải Phòng), và đến giờ đã đi hầu hết các đèn ở Trường Sa, chỉ còn 2 đèn mới là Sơn Ca, Nam Yết anh chưa đến.
Mỗi ngày, công việc của anh em gác đèn biển là phải vừa thay ca bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hải đăng bất kể giông bão, vừa phải tự tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi gà, nuôi heo… để cải thiện bữa ăn. “Chúng tôi và anh em Hải quân “giao lưu” được vô khối kinh nghiệm trồng và giữ rau”, anh Lê Huy Tân kể. “Nào là cách tiết kiệm nước những lúc khô hạn, giữ rau khỏi gió và nước mặn… Để một mầm xanh nhú lên hay một con gà, con heo có thể sống được là một cuộc đấu trí cam go với thiên nhiên. Niềm vui nhiều khi giản dị lắm, chỉ là luống rau mình trồng lên đẹp từng ngày thôi”.
Hải đăng không cô đơn
“Làm nghề gác đèn ở Trường Sa, được ở các đèn đảo nổi là may mắn rồi, vì dẫu sao cũng đông anh em chiến sĩ và bà con nhân dân, chuyện giao lưu, hỗ trợ thuận lợi hơn, đến trồng rau nuôi gà cũng suôn sẻ hơn nữa”, anh Tân nói. Bởi, ở những đèn biển đảo chìm, ví như ở Đá Lát chẳng hạn, không gian chật hẹp, phải sẵn sàng đối mặt với bão biển trên một “nhà giàn” hải đăng, chuyện trồng vài chậu rau cũng vô cùng vất vả.
“Ở Đá Lát địa hình chênh vênh, gió to là nhà đèn rung lắc dữ dội. Hễ có áp thấp hay bão, chúng tôi phải chạy sang trú bên bộ đội. Cứ mỗi lần từ đơn vị bộ đội tránh bão trở về, anh em lại bắt tay vào thu gom, dọn dẹp chiến trường sau cơn thịnh nộ của bão tố. Đồ đạc trong nhà bị hất tung lên, tủ giường, bàn ghế thì bị dịch chuyển, những khay trồng rau bị xới tung từng mảng, có lúc rau trôi luôn xuống biển”, anh Tân nhớ lại.
Mỗi năm, Công ty có 5 chuyến tàu tiếp tế lương thực, thực phẩm ra các đảo, nhưng trên thực tế, do tàu công suất nhỏ chỉ đi được trong điều kiện gió cấp 4 – cấp 5, trong khi vào mùa mưa bão, gió thường ở cấp 6 cấp 7 có khu vực giật trên cấp 7, biển động dữ dội, nên có lúc 3, 4 tháng mới có tàu tiếp tế ra được đảo. Nhưng hóa ra, khó khăn về vật chất chỉ là một phần nhỏ mà theo lời các anh nói “cũng dễ quen và dễ vượt qua”, còn thiếu thốn về tinh thần mới là điều dễ ám ảnh những người thợ đèn, nhất là những người mới vào nghề này.
Một người thợ trẻ từng ở trạm Đá Lát tâm sự, thời gian đầu ra trạm đó, cứ mỗi lần thấy tàu bộ đội hay tàu cá của ngư dân, nhất là khi có đoàn công tác ngoài đất liền đến thăm là mừng lắm, như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. “Xung quanh chỉ có trời và biển, nên khi nhìn thấy ánh đèn tàu cá hay là ngư dân đánh bắt quanh đây thì chúng tôi có cảm giác vui lắm, không còn cảm giác cô đơn giữa biển”, người thợ đèn chia sẻ.
Đơn vị chủ quản – Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo – thường xuyên luân chuyển anh em các trạm đèn với nhau, để anh em được tiếp cận nhiều hơn với đặc thù công tác tại mỗi nơi và cùng nhau chia sẻ khó khăn.
Những người gác đèn suốt đời gắn với biển, khó khăn mà vinh quang, vừa thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho tàu thuyền qua lại, vừa khẳng định chủ quyền biển đảo…
Hoàng Thủy